Phát hành dưới mệnh giá, vẫn chờ sửa Luật Doanh nghiệp

(ĐTCK) Mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho phép DN được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá để tăng vốn đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) theo đuổi suốt thời gian qua, nhưng hiện vẫn chưa được tháo gỡ một cách rõ ràng.
Phát hành dưới mệnh giá, vẫn chờ sửa Luật  Doanh nghiệp

Trong bối cảnh đó, với những DN có khoản thặng dư vốn đủ bù đắp được phần chênh lệch giữa mệnh giá và giá cổ phần phát hành, UBCK vẫn xem xét cấp phép cho các DN được phát hành dưới mệnh giá. Điều kiện cần là DN phải có thặng dư vốn đủ lớn và sử dụng phần thặng dư vốn để bù đắp cho số vốn điều lệ thiếu hụt khi về danh nghĩa vẫn phải ghi tăng vốn điều lệ theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, nhưng trong thực tế, số tiền DN thu về là ít hơn.

Sau trường hợp đầu tiên UBCK cho phép và DN huy động thành công hơn 14,4 triệu cổ phiếu, với giá 5.000 đồng/CP trong năm ngoái, CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) có kế hoạch phát hành hơn 19,5 triệu cổ phiếu với giá bán 8.400 đồng/CP.

Một trường hợp khác vừa được UBCK cho phép phát hành dưới mệnh giá là CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI). Theo đó, Công ty phát hành 10 triệu cổ phiếu, với giá 5.000 đồng/CP. Trong đó, SHI phát hành 6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; 4 triệu cổ phiếu bán cho đối tác chiến lược. Nếu thực hiện thành công kế hoạch phát hành này, SHI sẽ phải phân bổ 50 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn để bù đắp cho khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành.

Ngoài một số DN được cấp phép phát hành dưới mệnh giá, còn nhiều DN niêm yết khác cũng từng lên kế hoạch tìm vốn theo cách này.

Thống kê của ĐTCK cho thấy, trong số 657 DN niêm yết trên 2 sàn, có tới 273 DN hiện có giá cổ phiếu dưới mệnh giá.

Tại Sở GDCK TP. HCM, vốn được coi là sàn giao dịch của các DN quy mô lớn, có tới 100 mã cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá. Tại sàn Hà Nội, con số này là 173 DN.

Những DN có cổ phiếu dưới mệnh giá hầu như không thể có cách nào huy động vốn mới bằng việc phát hành bằng hoặc trên mệnh giá, trong khi nhu cầu huy động vốn của DN là có thực. Để “chính danh” cho hoạt động phát hành dưới mệnh giá, các chuyên gia đề nghị cần tận dụng cơ hội Luật Doanh nghiệp đang được sửa đổi, đề cập quy chuẩn pháp lý cụ thể.

Các DN đang trông chờ Ban soạn thảo có quan điểm rõ ràng về việc cho hay không cho phát hành cổ phần dưới mệnh giá, nếu cho thì theo phương nào.

Một số chuyên gia đề nghị, Ban soạn thảo nên cân nhắc lựa chọn một trong hai phương án theo kinh nghiệm quốc tế. Thứ nhất, không quy định mệnh giá cổ phần, để tạo thuận lợi tối đa cho DN chào bán cổ phần theo nguyên tắc thị trường, thuận mua vừa bán. Thứ hai, nếu tiếp tục duy trì quy định mệnh giá cổ phần, thì nên tham khảo kinh nghiệm của một số nước sau khủng khoảng, họ đưa mệnh giá cổ phần xuống rất thấp, để đảm bảo rằng gần như không bao giờ xuất hiện tình trạng thị giá cổ phiếu giảm quá mệnh giá cổ phần…

Khi góp ý cho dự thảo Luật Doanh nghiệp, UBCK cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu phương án giải quyết bất cập liên quan đến quy định về mệnh giá. Đây đang là vấn đề bức thiết để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho cung – cầu vốn của DN gặp nhau.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục