Cần quy định rõ ràng về người đại diện pháp luật doanh nghiệp

(ĐTCK) Lấy dẫn chứng từ một công ty đại chúng nhiều tháng nay gặp khó khăn trong hoạt động do những vướng mắc từ việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trí Tuệ đưa ra khuyến cáo Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần xem xét có những điều khoản quy định cụ thể hơn về vấn đề này trong dự thảo mới nhất vừa được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi

Ví dụ mà ông Đạt đưa ra là trường hợp của một CTCP tại Hải Phòng đã tiến hành ĐHCĐ và có thông qua một nội dung là thay đổi người đại diện theo pháp luật của DN. Vấn đề đáng bàn ở đây là sau khi tiến hành ĐHCĐ với việc thông qua nội dung trên, nội bộ công ty đã xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, mà nguyên nhân xuất phát từ việc thời gian kể từ lúc ĐHCĐ quyết định thay đổi người đại diện đến khi hoàn tất các thủ tục với cơ quan chức năng mất đến nhiều tháng, khiến hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nặng nề.

“Trong quá trình thay đổi người đại diện có một khoảng trống quyền lực thì luật nên quy định trao cho ĐHCĐ hoặc điều lệ công ty quy định rõ ai là người đương nhiên thay thế đại diện pháp luật của DN. Không thể để tình trạng DN không có người đại diện kéo dài, bởi đại diện pháp luật của DN tham gia rất nhiều quan hệ pháp luật khác nhau như với cơ quan nhà nước, với đối tác, đối thủ, cổ đông, người lao động, hoặc trong các quan hệ dân sự của DN dẫn đến tranh chấp… Do đó, cần luật hóa cụ thể trong dự thảo Luật”, ông Đạt kiến nghị và cho rằng, DN không thể ngừng hoặc gián đoạn hoạt động, đặc biệt là đối với công ty đại chúng, việc phát sinh nhiều tranh chấp không chỉ gây thiệt hại cho DN, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các cổ đông. Vì vậy, cần quy định thời hạn cụ thể cho DN hoàn tất thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật, tối đa từ 5 - 7 ngày, để DN nhanh chóng ổn định, hoạt động bình thường trở lại.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề sát sườn liên quan trực tiếp tới hoạt động hàng ngày của DN, đồng thời có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới DN nếu có tranh chấp xảy ra.

“Thực tế, ĐHCĐ thông qua đâu phải có hiệu lực ngay, nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp nội bộ phải đợi tòa án xử lý mất hàng tháng, thậm chí có trường hợp mất hàng năm. Với công ty đại chúng lớn, có nhiều cổ đông, diễn biến sẽ càng phức tạp hơn”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, liên quan vấn đề đại diện pháp luật, hiện nay còn phổ biến tình trạng nhiều công ty có quan hệ với công ty đại chúng, công ty nhà nước, do chính lãnh đạo công ty đó lập ra, nhưng được đứng tên một người khác, hoàn toàn không có mối quan hệ với các lãnh đạo này, cũng như không đóng góp đồng vốn nào vào DN. Những công ty núp danh kiểu này thường liên quan đến hoạt động đấu thầu cho người nhà, có quan hệ giao dịch nội gián trong CTCP…, để dễ dàng chuyển sang tên người khác hoặc là công cụ để các ông chủ chuyển vốn sang công ty riêng của mình.

“Luật Doanh nghiệp sửa đổi dường như vẫn chưa có những tiếp thu đầy đủ các vấn đề thực tế tồn tại dạng này của các công ty đại chúng, để đưa ra những quy định mang tính khả thi. Vì vậy, đề xuất Ban soạn thảo nên đặt hàng với các tổ chức chuyên nghiệp tiến hành nghiên cứu, tổng kết các vấn đề thực tiễn liên quan đến CTCP, công ty đại chúng, từ đó đưa ra các tình huống cụ thể để xử lý và có những tư vấn cho quá trình bổ sung sửa đổi thiết thực trong dự thảo Luật lần này”, ông Hải nói.

Chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn tham gia ĐHCĐ cũng như quá trình tư vấn điều hành quản lý các công ty đại chúng, nhiều chuyên gia luật cho rằng, hiện rất nhiều CTCP, công ty đại chúng bị thao túng nội bộ bởi các cổ đông lớn hoặc thành viên trong ban điều hành. Hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” trong các cổ đông vẫn thường xuyên xảy ra, với tần suất ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp.

“Thực tế nội bộ DN cũng là một mặt trận đầy căng thẳng, trong đó có những lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân đan xen. Vì lợi ích nhóm hoặc quyền lợi cá nhân, các thành viên trong nội bộ DN có thể dễ dàng sử dụng các thủ đoạn, chiêu trò để bảo vệ lợi ích riêng”, luật sư Đạt nói.

Quay trở lại trường hợp CTCP đang có tranh chấp tại Hải Phòng, luật sư Đạt cho biết thêm, mới đây, một nhóm cổ đông đã xông vào DN này chiếm giữ con dấu, làm gián đoạn hoạt động của DN. Theo ông Đạt, con dấu là bộ phận cấu thành quan trọng để một văn bản có hiệu lực pháp luật. Mất con dấu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của DN, đặc biệt đối với các công ty niêm yết. Do đó, ông Đạt đề xuất, cần giải quyết triệt để từ luật, nếu luật không đi vào cụ thể, thì Nghị định và Thông tư hướng dẫn phải quy định và có chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp này.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục