Tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để trục lợi, gian lận thuế, trốn thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp… diễn ra khá phổ biến. Nếu Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục thông thoáng hơn nữa, e rằng, tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, thưa ông?
Nếu ai đó muốn gian lận, trục lợi, thì luật pháp có chặt đến đâu, họ cũng tìm ra kẽ hở để vi phạm pháp luật. Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ thành lập doanh nghiệp đơn giản, dễ dàng dẫn tới gian lận, vi phạm pháp luật, mà vấn đề nằm ở khâu hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước không theo kịp sự phát triển của xã hội.
Khám chữa bệnh là hoạt động kinh doanh có điều kiện, muốn thành lập và đưa cơ sở khám chữa bệnh vào hoạt động cần rất nhiều thủ tục và phải qua nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Để được thanh toán tiền bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh cần rất nhiều thủ tục. Thế mà mới đây, cơ quan bảo vệ pháp luật ở Hải Phòng phát hiện ra nhiều cơ sở khám chữa bệnh lập khống hồ sơ người bệnh, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội với số tiền lên tới nhiều chục tỷ đồng. Ví dụ này cho thấy, gian lận, lừa đảo không phải do khâu cấp giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp, mà là do quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát lỏng lẻo.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) về cơ bản đã loại bỏ hết rào cản, tạo điều kiện tối đa cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, thực ra chỉ là trả lại quyền tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm đã được hiến định. Còn trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, trong đó có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế (xâm hại đến lợi ích của Nhà nước) thì chúng ta có cả một hệ thống luật pháp để xử lý, nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì tạm đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, thậm chí truy tố người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Nhưng thông thoáng tới mức có doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 500.000 đồng, có doanh nghiệp đăng ký 8-9 tỷ USD, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ còn biết “nhìn nhau cười” vì luật không cấm?
Đăng ký vốn bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp. Vấn đề là, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp có thực hiện đúng pháp luật hay không, như tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế; định kỳ báo cáo trung thực, đầy đủ và chính xác thông tin, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ tài nguyên, môi trường…
Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính, hoặc xử phạt theo các quy định của luật chuyên ngành. Còn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, nếu tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng bị cấm kinh doanh mà cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Với mức vốn điều lệ trung bình của doanh nghiệp mới thành lập hiện nay chỉ vào khoảng 10-20 tỷ đồng, doanh nghiệp nào đó đăng ký vốn lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng, thì rõ ràng là lừa đảo?
Tôi không khẳng định doanh nghiệp tư nhân nào đó mới chân ướt, chân ráo bước vào thị trường mà đăng ký vốn điều lệ cả trăm ngàn tỷ đồng là lừa đảo. Tuy nhiên, nếu họ kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ và đúng hạn số vốn điều lệ như đã đăng ký, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế; kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; kê khai không trung thực, không chính xác, không kịp thời những thay đổi trong nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp… tức là họ vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các luật chuyên ngành.
Chúng ta cũng không quá lo lắng nếu đó là những yếu tố khiến họ có thể thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân khác. Bởi mọi thông tin về doanh nghiệp đều được công khai, minh bạch trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, nên khách hàng, đối tác, bạn hàng, chủ nợ, con nợ của doanh nghiệp đều nắm rất rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không quy định trình độ của người thành lập doanh nghiệp, nên đến người mù chữ vẫn làm được giám đốc. Ông có nghĩ rằng, chức “giám đốc” ngày càng “rẻ rúm” không?
Ngoại trừ một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đòi hỏi trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ tài chính, kế toán, tư vấn pháp luật, công chứng…, còn mọi cá nhân đã đến tuổi thành niên, không bị hạn chế, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, không phải đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù, hoặc đang bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh đều được đăng ký thành lập doanh nghiệp mà không đòi hỏi về trình độ. Quy định này là phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.