Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ có nhắc đến khái niệm “nhà nước kiến tạo”. Theo đó, người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn Nhà nước phải làm theo quy định của pháp luật. Nếu phương châm đó là kim chỉ nam của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thì việc lập ra danh mục “các dự án đầu tư có điều kiện” để xét duyệt là đi ngược với khái niệm nhà nước kiến tạo.
Hiện nay, nhiều bộ, ngành vẫn đang có những danh mục các dự án đầu tư “nhạy cảm”, cho dù là chính thức dưới khái niệm “dự án đầu tư có điều kiện”, hay không chính thức dưới hình thức “công văn hướng dẫn”, “yêu cầu giải trình”. Có hai ví dụ cụ thể về vấn đề này, đó là “chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu, buôn bán thuốc” của Bộ Y tế và “giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ” của Bộ Công thương.
Về “chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu, buôn bán thuốc”, gần 10 năm kể từ khi Luật Dược có hiệu lực, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chưa được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, điều kiện cần để có thể nhập khẩu thuốc, với lý do là các DN FDI bị hạn chế bởi lộ trình cam kết WTO.
Năm 2010, Bộ Y tế ban hành Thông tư 47/2010/TT-BYT quy định về việc nhập khẩu thuốc của các DN FDI. Tuy nhiên, Thông tư này chỉ điều chỉnh hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất thuốc của chính DN FDI, các hoạt động nhập khẩu thuốc không phục vụ sản xuất của DN được Bộ Y tế hứa hẹn sẽ quy định trong một văn bản khác.
Như vậy, từ khái niệm “ngành nghề có điều kiện” trên thực tế đã trở thành ngành nghề không được kinh doanh vì thiếu văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, trong khi Bộ Công thương đã cho phép các DN FDI nhập khẩu thuốc qua Quyết định 10/2007/QĐ-BTM.
“Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ” đối với các DN FDI cũng là một ví dụ điển hình về việc biến nhà nước kiến tạo thành nhà nước quản chế. Theo cam kết WTO, các DN FDI được phép tham gia thị trường bán lẻ từ năm 2007 (và nắm 100% vốn từ năm 2009), tuy vậy, để mở cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi cần phải thông qua Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Mãi đến 6 năm sau, tại Thông tư 08/2013, Bộ Công thương mới cụ thể thêm được một bước, đó là nếu diện tích bán lẻ nhỏ hơn 500 m2 tại trung tâm thương mại thì không phải xin ENT, nhưng không quy định cụ thể thế nào là ENT. Vậy đặt ra ENT để kiến tạo DN hay quản chế DN?
Hiện nay, Bộ Công thương cũng chưa đưa ra được một con số thống kê sau 7 năm gia nhập WTO, có bao nhiêu DN FDI nộp đơn xin ENT và bao nhiêu phần trăm trong số đó được chấp thuận.
Các dự án “kinh doanh có điều kiện” như trên có rất nhiều ở các bộ, ngành. Có loại dự án chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau, riêng Bộ Tài chính đã có 20 loại dự án như vậy. Đồng ý rằng, có nhiều ngành nghề có thể gây tác động tiêu cực đến văn hoá - xã hội như hoạt động trò chơi có thưởng. Nhiều ngành nghề có thể bị lạm dụng, người tiêu dùng có thể bị lừa đảo như bảo hiểm, xổ số. Tuy nhiên, ngoại trừ các DN bị hạn chế hoạt động như bảo hiểm hay ngân hàng, nên chăng thay thế thủ tục cấp “chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” bằng một hệ thống kiểm tra trước khi mở cửa kinh doanh (nhưng sau khi thành lập DN). Cơ quan chức năng sẽ tăng cường hậu kiểm và phạt các DN vi phạm khi không đủ điều kiện.
Trong quá trình kiểm tra trước khi mở cửa kinh doanh, cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện để các DN đáp ứng. Nếu không cung cấp hướng dẫn cụ thể, kịp thời thì coi như DN đã thỏa mãn điều kiện. Nếu hướng dẫn không cụ thể thì khi giải thích sẽ theo hướng có lợi nhất cho DN.
Con đường cải tổ Luật Doanh nghiệp trên nền tảng xây dựng nhà nước kiến tạo sẽ làm tăng niềm tin của NĐT trong và ngoài nước; mở cửa cho NĐT hoạt động là con đường để làm giàu, đảm bảo an ninh cho đất nước trước nguy cơ bị xâm lăng... Con đường đi từ nhà nước quản chế sang nhà nước kiến tạo là con đường thay đổi căn bản về phương pháp luận và tư duy làm luật. Thay vì đặt điều kiện mang tính định tính cho DN, hay bắt DN giải trình luận cứ kinh tế kỹ thuật, cơ quan nhà nước sẽ chỉ liệt kê các hành vi bị cấm hay các điều kiện rõ ràng, cụ thể mang tính định lượng. Đó cũng chính là mô hình nhà nước tối thiểu, nhà nước chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết và đã can thiệp thì phải can thiệp mạnh (thí dụ quốc phòng, bảo hiểm xã hội).