Đây là dự thảo mới nhất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi trên cơ sở tiếp thu và bổ sung các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Dự thảo lần này tập trung vào những nội dung đổi mới cơ bản, gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh; vốn và quản trị doanh nghiệp; tổ chức lại và giải thể DN; đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với DN.
Theo đánh giá của Ban soạn thảo, các nội dung sửa đổi về vấn đề đăng ký kinh doanh, bổ sung mô hình quản trị doanh nghiệp và quản lý vốn, cũng như việc thuận lợi hóa các thủ tục “khai sinh”, “khai tử” cho doanh nghiệp theo hướng giảm bớt thời gian và quy trình thủ tục cho doanh nghiệp được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm cho ý kiến đóng góp tại kỳ họp vừa rồi.
Cũng theo Ban soạn thảo, việc tăng xếp hạng của Việt Nam về bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông trong bảng xếp hạng quốc tế khoảng 60 bậc, từ mức gần cuối cùng hiện nay (160) lên khoảng 100 cũng là mục tiêu trọng yếu mà Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần đạt được khi ban hành.
Mục tiêu trên được các đại biểu Quốc hội đặt ra song song với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tiến tới trong tương lai sẽ giảm xuống mức xếp hạng khoảng thứ 50 thông qua việc tiếp tục hài hòa hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cùng một số thủ tục khác như đăng ký bảo hiểm, thuế, lao động… thông qua đầu mối một cửa, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Từ nay tới hết tháng 8, dự thảo lần 5 Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tiếp tục được lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ phía các chuyên gia luật, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp trước khi trình Ủy Ban kinh tế của Quốc hội xem xét thẩm tra và cho ý kiến.
Dự kiến, Dự thảo hoàn thiện Dự án Luật sẽ được trình phê chuẩn tại kỳ hợp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10 tới đây.