Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 do người tiêu dùng hạn chế mua sắm, du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Tăng trưởng tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu chậm lại 7-9% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I ước tính đạt 985.000 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu hàng hóa một phần cũng nhờ tăng trưởng của kênh thương mại điện tử được người tiêu dùng ưa chuộng với nguồn cung hàng hóa dồi dào, giao hàng nhanh mà không cần ra cửa hàng vật lý trong mùa dịch cao điểm.
Tháng 4, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ khiến doanh thu bán lẻ hàng hóa trong cả nước chỉ đạt 257.400 tỷ đồng, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng chịu sự suy giảm về hiệu quả.
Chẳng hạn, tháng 4/2020, doanh thu của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019. CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) phải tạm đóng phần lớn cửa hàng trong toàn hệ thống theo chỉ thị của cơ quan chức năng, dẫn đến doanh thu thuần giảm 47% so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng đến 89 tỷ đồng trong tháng 4… Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ có kết quả khả quan hơn nếu các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế chuyển động của Chính phủ sớm được thấm đến người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh gói hỗ trợ an sinh 61.500 tỷ đồng, Bộ Tài chính cũng tung gói hỗ trợ doanh nghiệp 180.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các ngành bị ảnh hưởng lớn của dịch như nông nghiệp, lâm nghiệp, dệt may, sản xuất chế biến thực phẩm, vận tải đường sắt, đường biển, hàng không, du lịch, bất động sản, xây dựng.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp cần nguồn vốn để duy trì hoạt động và đang dự thảo thông tư hướng dẫn lại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay… Các gói hỗ trợ trên được kỳ vọng sẽ tiếp thêm luồng sinh khí giúp cho các doanh nghiệp ngành tiêu dùng bán lẻ duy trì hoạt động, giảm chi phí lãi vay và hoãn trả thuế cho nhà nước trong giai đoạn dịch tiếp tục tăng.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong công tác chống dịch cũng như đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng hồi phục của nền kinh tế. Dự báo về sự phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, bán lẻ sẽ là lĩnh vực đóng vai trò vô cùng quan trọng, mặc dù đây cũng là một trong những ngành nhạy cảm nhất và chịu tổn thất nặng nề nhất trong giai đoạn cách ly xã hội vì dịch bệnh.
Báo cáo triển vọng ngành quý II/2020 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ cần phải chuẩn bị cho các chiến lược trung và dài hạn để phát triển kinh doanh, tối ưu chi phí hoạt động và mở rộng thị trường khi dịch kết thúc.