Mỹ chuẩn bị tung gói kích cầu 2.000 tỷ USD, giới đầu tư phấn khích

(ĐTCK) Sau phiên giảm khá mạnh trước đó, chứng khoán toàn cầu đã có phiên bùng nổ ngày thứ Ba (24/3) khi giới đầu tư kỳ vọng về các gói kích cầu.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, phố Wall đã có phiên giao dịch bùng nổ sau phiên bán mạnh trước đó vì lo ngại sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Trong phiên thứ Ba, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều bùng nổ với mức tăng trên dưới 10% sau khi có thông tin đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tiến gần tới thỏa thuận về dự luật gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD. Gói kích thích này hỗ trợ tài chính cho người Mỹ trong công việc và giúp đỡ các ngành công nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.

Gói kích thích này sẽ bổ sung vào các chính sách nới lỏng tiền tệ và gói kích thích định lượng không giới hạn mà Fed đưa ra trước đó để hỗ trợ cho kinh tế Mỹ đối phó với ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, một đề xuất tại Hạ viện Mỹ cung cấp cho các hãng hàng không khoản hỗ trợ 40 tỷ USD, giúp nhóm cổ phiếu hàng không bật mạnh 15%.

Không chỉ nhóm hàng không, mà nhóm năng lượng, ngân hàng cũng có phiên khởi sắc với mức tăng 16% và 13% trong phiên thứ Ba.

Với mức tăng 11,37%, Dow Jones có ngày tăng tốt nhất kể từ năm 1933.

Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Dow Jones tăng 2.112,98 điểm (+11,37%), lên 20.704,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 209,93 điểm (+9,38%), lên 2.447,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 557,18 điểm (+8,12%), lên 7.417,86 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch bùng nổ khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 24/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 452,12 điểm (+9,05%), lên 5.446,01 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 959,42 điểm (+10,98%), lên 9.700,57 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 328,40 điểm (+8,39%), lên 4.242,70 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng có phiên giao dịch bùng nổ ngày thứ Ba khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Fed sẽ mua lại trái phiếu với giá trị không giới hạn. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất 4 năm còn nhờ kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lượng mua vào chứng khoán của các quỹ đầu tư tín thác.

Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1.204,57 điểm (+7,13%), lên 18.092,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 62,27 điểm (+2,34%), lên 2.722,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 967,36 điểm (+4,46%), lên 22.663,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 127,51 điểm (+8,60%), lên 1.609,97 điểm.

Không chỉ chứng khoán, giá vàng cũng có phiên tăng vọt lịch sử khi giới đầu tư lo ngại các mỏ vàng trên thế giới sẽ bị ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 24/3, giá vàng giao ngay tăng 84,8 USD (+5,47%), lên 1.636,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 101,4 USD (+6,47%), lên 1.669,0 USD/ounce.

Cho dù chứng khoán và giá vàng phản ứng tích cực với các gói kích thích kinh tế, nhưng giá dầu thô lại không quá hứng khởi, dù vẫn duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 24/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,65 USD (+2,78%), lên 24,01 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,12 USD (+0,44%), lên 27,15 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục