Trong những ngày qua, các ngân hàng tiếp tục đẩy gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tới đây, có nên nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng tín dụng không, thưa ông?
Theo tôi, cắt giảm lãi vay của ngân hàng hiện nay không phải là để kích cầu kinh tế, mà chủ yếu để hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả...
Chủ trương này được Ngân hàng Nhà nước đưa ra để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, chứ không phải là một chính sách tiền tệ nới lỏng.
Giá vàng đã tăng, nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng bằng cách bơm một lượng tiền ra nền kinh tế thông qua cắt giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc hoặc trực tiếp đẩy thanh khoản ra thị trường, thì sẽ khiến niềm tin của công chúng vào tiền đồng bị lung lay.
Mặt khác, chúng ta có thể thấy, lĩnh vực dễ hưởng lợi nhất từ chính sách tiền tệ mở rộng là các doanh nghiệp bất động sản, trong khi những khu vực đáng được hỗ trợ nhất hiện nay là nông nghiệp và các ngành sản xuất hàng xuất khẩu lại rất khó tiếp cận các lợi ích trực tiếp của chính sách này.
Vì vậy, nếu mở rộng tiền tệ không hợp lý sẽ kéo theo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, làm bất ổn hệ thống tài chính, gia tăng nợ xấu ngân hàng, đồng thời có thể tạo ra bong bóng giá tài sản.
Theo ông, có cần gói kích cầu để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, khi người dân đang lo ngại dịch bệnh thì không cần thiết phải đưa ra các gói kích thích kinh tế.
Như PGS-TS Trần Ngọc Thơ đã nói: “Không có gói kích thích kinh tế nào chống được nỗi khiếp sợ”, vì hiện nay, người dân đang lo sợ, muốn ở nhà và không ai muốn đi du lịch, mua sắm, tiêu nhiều...”.
Do đó, tôi rằng, đưa ra gói kích cầu kinh tế trong lúc này cũng không thể phát huy tác dụng. Nếu vội vã thực hiện các chính sách giải cứu kinh tế lúc này tựa như cho nền kinh tế uống thuốc giảm đau, gây tốn kém chi phí, mà chỉ giúp che đậy các triệu chứng của căn bệnh, chứ không giải quyết được các căn nguyên vấn đề.
Trong khi đó, việc cần làm trước mắt là rà soát để giảm bớt các thủ tục, quy trình gây phiền hà, nhũng nhiễu và tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp, giúp họ tiết kiệm chi phí.
Đồng thời, hỗ trợ về thủ tục và tài chính cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý tưởng và kế hoạch rõ ràng trong chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc tái cấu trúc sản xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Nhưng diễn biến dịch bệnh chưa chấm dứt, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ giảm, thưa ông?
Nếu dịch bệnh sớm được khống chế và ngăn chặn sự lây lan, thì nhiều khả năng, mọi thứ sẽ sớm ổn định trở lại.
Chính phủ đã có những biện pháp để khống chế kịp thời dịch bệnh và các ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam không nhiều, nên khi dịch bệnh đi qua thì mọi thứ sẽ phục hồi.
Khả năng tín dụng sẽ sớm tăng trưởng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế sẽ đạt các mục tiêu đề ra cho năm nay.
Ông đánh giá thế nào về diễn biến cũng như xu hướng lãi suất tiền đồng, tỷ giá và giá vàng trong thời gian tới?
Thủ tướng đã có ý kiến rõ là ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, theo tôi, mặt bằng lãi suất cũng như tỷ giá thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định. PGS-TS Trần Ngọc Thơ cũng đã cảnh báo rằng, khả năng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước bị hạn chế đáng kể vì việc này sẽ làm tiền đồng yếu đi, dẫn đến tỷ giá USD/VND tăng, từ đó khiến Việt Nam dễ gặp phải rủi ro khi bị Mỹ quy là quốc gia thao túng tiền tệ.
Còn diễn biến thất thường của giá vàng những ngày qua chủ yếu do hoạt động đầu cơ trong nước và yếu tố tâm lý, khiến nhiều người đổ xô đi mua. Hiện giá vàng trong nước không liên thông với giá thế giới, nên mọi người phải cân nhắc kỹ trước khi mua vàng.