Theo ông, trước biễn biến dịch bệnh hiện nay cần có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
Tôi cho rằng, để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 hiện nay có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giải pháp về thuế, phí. Trong đó, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chống trì trệ trong phát triển; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Có cần thêm gói kích cầu, kích thích kinh tế trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Theo tôi, việc hoãn, giản thuế cũng giảm một số loại phí hành chí là điều cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành hiện nay... chứ không nên đưa ra một gói kích cầu, kích thích kinh tế nào cả, nhằm tránh tình trạng như đã xảy ra năm 2010 để lại hậu quả cho nền kinh tế và phải xử lý.
Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, tín dụng khó tránh giảm, thưa ông?
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đã đưa ra đầu năm nay không tăng quá 14% như năm rồi. Đồng thời, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo lộ trình đã đưa ra tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Chủ trương ngành ngân hàng đưa ra là kiểm soát tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất, tập trung và ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh. Dư địa cho chính sách tín dụng tiền tệ không nhiều, Chính phủ đang tập trung vào chính sách tài khóa.
Vì vậy, muốn tăng trưởng tín dụng cao cũng không dễ cho các ngân hàng mà phải tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cầu vốn sẽ sớm tăng trở lại.
Nhận định của ông về mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ ra sao?
Để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã sớm đưa ra chủ trương chung tay chia khó cùng ngân hàng bằng việc cắt giảm lãi vay. Tuy nhiên, theo tôi lãi suất cũng phải theo xu hướng thị trường, chứ không phải cứ doanh nghiệp kêu là cái gì Chính phủ và ngành ngân hàng hỗ trợ được. Bởi bản thân ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp nên họ có cũng khó có thể giảm lãi suất cho vay khi chi phí đầu vào khó sụt giảm.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết, thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động.
Lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay đang có chiều hướng điều chỉnh giảm gần đây để chia sẻ khó khăn với khách hàng trước tình hình dịch covid-19 ảnh hưởng.
Trước dịch bệnh hiện nay, lạm phát năm nay sẽ không quá lo, thưa ông?
Tôi cho rằng, chưa hẳn vậy. Ngược lại, lạm phát năm nay cao, chứ không thể thấp. Thủ tướng yêu cầu quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Về kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Điều quan trọng nhất là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1-31/3 cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Hiện NHNN đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn.
Các bộ ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế - xã hội do dịch Covid-19; cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài; tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.