Ông có thể cho biết, các ngân hàng trung ương dựa trên cơ sở nào để hạ lãi suất?
Tôi lấy ví dụ ở Mỹ. Để hạ lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường tập trung vào 2 yếu tố: Một là các chỉ tiêu của kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát, tăng trưởng, thất nghiệp; hai là các dự báo về chu kỳ kinh tế.
Về cơ bản, Fed sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở để điều chỉnh lãi suất, hay nói cách khác, Fed điều chỉnh theo hướng nhỏ và linh hoạt, chưa hề dùng đến công cụ “bom tấn” là tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức 10%.
Việc tỷ lệ này ổn định trong thời gian dài cho thấy rằng, về cơ bản, cơ quan này vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ ổn định.
Trung Quốc cũng có cách điều hành chính sách tiền tệ tương tự, nhưng duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức cao hơn, như hiện nay là 17,5% (trước kia là 22%).
Rõ ràng, để hạ lãi suất thì phải có những dự báo dài hạn?
Đúng vậy. Đó là dự báo về tăng trưởng kinh tế, thậm chí phải có những dự báo dài hạn về chu kỳ kinh tế do những thay đổi như công nghệ mang đến.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cũng như nhiều nhà phân tích kinh tế, tác động của dịch cúm Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam chỉ mang tính ngắn hạn và mức độ ảnh hưởng cũng hạn chế.
Ngay với Trung Quốc - nơi trung tâm dịch bệnh, cũng vừa đưa ra dự báo, dịch cúm Covid-19 chỉ làm giảm tăng trưởng kinh tế của quốc gia này dưới 1% và từ đó tôi tính toán, kinh tế của Việt Nam chỉ giảm từ 0,3-0,5%.
Đây không phải con số lớn và không một ngân hàng trung ương nào điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng với một rủi ro vừa hạn chế, vừa ngắn hạn như vậy. Với Việt Nam, tôi cho rằng, tình hình hiện nay không có tính chất dài hạn, chu kỳ, mà chỉ là “tai nạn”.
Chúng ta chứng kiến Fed đã 3 lần hạ lãi suất trong năm 2019 và mới nhất, cơ quan này quyết định không điều chỉnh lãi suất cơ bản trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, ông đánh giá thế nào về động thái này?
Fed hiện tại đang phần nào chịu sức ép của Tổng thống Donald Trump trong mục tiêu thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng.
Thực tế, ông Trump đã dùng một loạt chính sách về tài khoá, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt kỳ vọng là trên 3%, nên đã gây sức ép lên Fed để hạ lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng.
Đây không phải lần đầu Fed liên tục phải hạ lãi suất, mà từng diễn ra dưới thời Tổng thống Bush.
Tuy nhiên, vấn đề là lãi suất hiện nay của Mỹ đã vượt quá giới hạn của những năm trước. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại như hiện nay, mức tăng trưởng 1,7-1,9% của kinh tế Mỹ không phải là tồi, thậm chí có thể coi là “điểm sáng” ở những nước phát triển.
Do đó, kể cả khi Fed giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa cũng khó có thể đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh như mong muốn. Có thể Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất, nhưng đó không phải là dựa trên những tiêu chí phân tích vĩ mô, quốc tế… một cách rõ ràng.
Một vấn đề cũng đang được thị trường đề cập đến là gói kích thích kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ, theo ông, sẽ diễn biến ra sao?
Khi đã đề cập đến gói kích thích kinh tế, nới lỏng tiền tệ sẽ bao hàm ý nghĩa điều chỉnh lớn, ảnh hưởng đến cấu trúc của nền kinh tế, trong khi những rủi ro về cấu trúc khắc phục rất lâu.
Mỹ giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 10% để cấu trúc kinh tế ổn định, nếu có điều chỉnh sẽ là điều chỉnh nhỏ xoay quanh sự ổn định này.
Hay như Trung Quốc cũng rất dè dặt trong điều chỉnh “bom tấn”, mà vẫn sử dụng “súng bộ binh”.
Đây là những điều chỉnh mang tính chiến thuật, không phải điều chỉnh dài hạn mang tính cơ cấu. Mục tiêu là duy trì một nền tảng ổn định dài hạn và trên nền tảng này, tính chu kỳ được điều chỉnh nhỏ, lên xuống đôi chút.
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc và ít điều chỉnh, nếu có thì cũng chủ yếu mang tính ngắn hạn và cùng với đó là những biện pháp hạn chế “sự phản ứng” từ thị trường vào chính sách tiền tệ dài hạn.
Để giữ ổn định dự trữ bắt buộc, ngoài công cụ thị trường mở, thì còn dùng thêm công cụ tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Dùng 2 công cụ này để điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhưng có thể thấy, NHNN đang điều chỉnh tăng trưởng tín dụng về gần với tăng trưởng kinh tế danh nghĩa.
Trước tình hình dịch cúm Covid-19 hiện nay, có ý kiến lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ giảm mạnh và khuyến nghị NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Với bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại, nhiều ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ hết cỡ, chẳng hạn Nhật Bản để lãi suất âm, châu Âu lãi suất bằng 0, hay Mỹ có lãi suất rất thấp... và xem ra tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng trong một thời gian.
Tuy vậy, chúng ta có thể thấy rằng, việc tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết, bởi những vấn đề mà các quốc gia này gặp phải có tính dài hạn, chu kỳ, trong khi Việt Nam không như vậy.
Việt Nam hiện tăng trưởng kinh tế khá ổn định, tiềm năng phát triển kinh tế khá vững trên nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực và triển vọng ổn định trong dài hạn.
Đây là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài tích cực đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư trong nước tích cực sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng tích cực tiêu dùng… Bởi vậy, tôi cho rằng, Việt Nam không có lý do để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo đó, NHNN không nên giảm lãi suất, mà nên duy trì chính sách tiền tệ ổn định như hiện nay, hỗ trợ các ngân hàng ổn định lãi suất, các ngân hàng giúp nhau để ổn định thanh khoản, duy trì hoạt động bình thường của thị trường liên ngân hàng và trên nền tảng đó đưa ra những chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ có chọn lọc cho một số mục tiêu như xử lý nợ xấu cho doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản và thuỷ - hải sản.
Giả thiết đặt ra, Việt Nam triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ, theo ông, rủi ro nào sẽ phải đối mặt?
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, các chính sách nới lỏng, đặc biệt về tín dụng, rất khó kiểm soát. Ví dụ như gói kích thích kinh tế 2009 để lại hậu quả rất nghiêm trọng, đó là lạm phát và đình trệ kinh tế kéo dài trong 3-4 năm.
Mặc dù thời điểm đó tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam rất cao, nhưng tăng trưởng kinh tế thấp. Điều này cho thấy, mỗi khi Việt Nam đưa ra chính sách nới lỏng thì bị “phản ứng phụ”, đà mở rộng không kiểm soát được nên có thể dẫn đến những hậu quả xấu, khiến phải mất nhiều năm mới khắc phục được.
Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có nhiều lợi thế khác để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, chẳng hạn các hiệp định tự do thương mại đã và đang phát huy tác dụng, nên cần tập trung nguồn lực để khai thác các lợi thế này, chứ chưa nên sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ.
Theo dự báo, sau khi dịch Covid-19 qua đi, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sẽ phục hồi rất nhanh vì đó chỉ là rủi ro ngắn hạn.
Khi đó, người dân sẽ tăng chi tiêu cho du lịch, tiêu dùng…, tiêu thụ hàng hoá của Trung Quốc cũng sẽ tăng trở lại, thậm chí có thể mạnh hơn thời điểm trước dịch do nguồn cung suy giảm mạnh.
Theo tôi, doanh nghiệp cần duy trì sản xuất - kinh doanh như hiện nay để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi mạnh sắp tới. Tương tự dịch SARS 2003, sau đó phục hồi nhanh ở Hồng Kông - trung tâm dịch.
Nhìn vào định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, ông có nhận định gì?
Gần 10 năm qua, chính sách tiền tệ đã được NHNN điều hành rất thành công, giai đoạn đầu tạo ra nền tảng khá tốt và giai đoạn sau phát huy được hiệu quả. Đây là một định hướng chính sách tiền tệ dài hạn, vững chắc mà các nhà phân tích tài chính, tiền tệ quốc tế đánh giá cao.
Nhà đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài đều tin cậy vào chính sách tiền tệ ổn định và dài hạn này của Việt Nam.
Tiếp tục giữ nền tảng ổn định dài hạn đó là cách tốt nhất để vượt qua được những khó khăn tạm thời của dịch cúm.
Có thể khẳng định, đã từ lâu Việt Nam mới được các nhà đầu tư đặt nhiều niềm tin như trong thập kỷ vừa qua, tập trung ở 2 điểm: NHNN có ý thức về ổn định tiền tệ và có năng lực để ổn định tiền tệ trên nền tảng công nghệ, con người, dự trữ ngoại tệ…
Đây là một thành công của cả hệ thống xã hội, nên đã tạo ra một thập kỷ chính sách tiền tệ chưa từng có và rất đáng quý.
Phía trước vẫn còn nhiều rủi ro đến từ thâm hụt cán cân vãng lai do xuất khẩu hàng hoá dương, xuất khẩu dịch vụ âm…, nếu bù đắp sự thâm hụt này bằng nguồn kiều hối đương nhiên dẫn đến áp lực phá giá tiền tệ.
Chúng ta đã kiên định chính sách tiền tệ ổn định, đồng thời đã tạo dựng năng lực thể chế để thực hiện chính sách với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị (không dùng tiền ngân hàng chi tiêu ngân sách thì mới tạo ra được lòng tin vững chắc đối với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như trong nước về một triển vọng kinh tế ổn định dài hạn).
Bởi vậy, chúng ta không có lý do để đánh mất niềm tin dài hạn của nhà đầu tư, đánh mất tiềm năng phát triển dài hạn của nền kinh tế bởi những rủi ro trong ngắn hạn, với ảnh hưởng hạn chế.