Ngân hàng Trung ương Thái Lan vừa công bố hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% về 1%/năm, mức thấp kỷ lục và là lần cắt giảm thứ ba trong năm cuộc họp gần nhất, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế dưới áp lực hạn hán và sự bùng nổ của COVID-19 gây ra.
Chính phủ Singapore đưa ra 2 gói kích thích kinh tế với tổng quy mô 5,6 tỷ đôla Singapore nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Gói hỗ trợ này cao hơn 24 lần gói kích thích kinh tế khi xảy ra dịch SARS.
Đầu tháng 2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm 1.700 tỷ NDT vào thị trường tài chính thông qua nghiệp vụ repo ngược (tức Chính phủ mua chứng khoán sau đó lại đồng ý bán lại trong tương lai), để đưa tiền ra thị trường, hạ 0,1% lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn nhằm kích thích kinh tế trì trệ vì dịch COVID -19.
Đối với thị trường tài chính, đây là cơ hội cho dòng tiền ngắn hạn.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các tổ chức Citi, JP Morgan, Bloomberg Economics… hạ dự báo tăng trưởng GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm 1,4% so với cùng kỳ, cả năm giảm 0,3%.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 2016, nếu kinh tế Trung Quốc giảm 1% GDP sẽ gây ảnh hưởng chủ yếu vào các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước phát triển trong G20. Các nước bị tác động nhiều nhất là Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út. Việt Nam bị ảnh hưởng giảm 0,2% GDP.
Điều này có thể thấy tác động rộng lớn khi Trung Quốc suy giảm tăng trưởng kinh tế lên các quốc gia trong khu vực.
Khi dịch Covid 19 xảy ra, Bloomberg Economics cũng đưa ra dự báo kém khả quan hơn với các quốc gia có chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và có lượng khách du lịch Trung Quốc là chủ yếu.