Cuối tuần, nhìn lại điểm nóng chậm/hủy chuyến của hàng không

Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không trong nước đang quay cuồng trong cuộc chiến hạ tỷ lệ chậm/hủy chuyến bay xuống dưới 5%, trong khi nhiều rủi ro vẫn ngoài tầm kiểm soát.
Cơ sở hạ tầng tại nhiều sân bay đang quá tải nghiêm trọng   Cơ sở hạ tầng tại nhiều sân bay đang quá tải nghiêm trọng

Bạc mặt đi giám sát bay

Đúng 4 giờ sáng ngày 15/7, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và một số thành viên Tổ kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị trước chuyến bay, khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam đã có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để giám sát chuyến bay đầu tiên của VietJetAir.

Chưa rõ việc “chẩn bệnh” mang lại kết quả ra sao, nhưng điện thoại của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam trong những ngày này luôn nóng rực, bởi những thông tin về các chuyến bay bị chậm/hủy chuyến liên tục đổ về từ cảng vụ hàng không và những hành khách đang “sôi máu” sau khi bỗng dưng bị “cơ nhỡ” tại sân bay.

Theo ông Cường, việc kiểm soát này được áp dụng đối với tất cả các hãng hàng không tại 3 đầu mối chính là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Các thành viên của Tổ giám sát được yêu cầu phải giám sát toàn bộ các khâu trong chu trình bay, từ việc làm thủ tục cho hành khách, quá trình xếp khách, bốc hàng lên tàu bay và thậm chí là phải bay cùng để “soi” tổ bay, đoàn tiếp viên của các chuyến bay.

 Hiện mỗi ngày, Việt Nam có hơn 500 chuyến bay thương mại do các hãng hàng không trong nước được thực hiện. Điều này có nghĩa là, Tổ kiểm tra gồm hơn 10 người của Cục Hàng không Việt Nam sẽ phải dành sự chú ý đặc biệt để phân tích tìm nguyên nhân đối với hơn 100 chuyến bay bị chậm chuyến mỗi ngày.

Đây là công việc rất vất vả, bởi ngoài việc phải căng mình làm việc với cường độ cao, chuyến bay cuối cùng trong ngày chỉ được hoàn thành vào nửa đêm, thậm chí muộn hơn nếu bị trễ chuyến.

“Việc xác định nguyên nhân đúng, trúng sẽ có các giải pháp đúng, kịp thời, hiệu quả. Giảm chậm, hủy chuyến không chỉ vì sức ép của hành khách, mà còn là một trong những yếu tố để nâng chất lượng dịch vụ hàng không cũng như sự phát triển của các hãng”, ông Cường nói.

Mặc dù vậy, cả cơ quan quản lý nhà nước và đại diện một số hãng hàng không đều khá dè dặt trong việc hạ tỷ lệ chậm hủy chuyến chỉ còn 5 - 10% - một mục tiêu mà ngay cả các hãng hàng không nổi tiếng của Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng chưa tiệm cận được.

Muôn nẻo lý do chậm/hủy chuyến

Từ trước đến nay, Cục Hàng không Việt Nam mới phân loại nguyên nhân chậm hủy thành một số ít nhóm chính, như thời tiết, cảng hàng không, hãng, điều hành bay, thương mại, kỹ thuật và lý do khác, trong đó nguyên nhân từ hãng thường chiếm áp đảo.

Tuy nhiên, bên trong những nhóm nguyên nhân lớn trên, nếu “soi” vào từng chuyến bay, người ta mới thấy được rằng, nguyên nhân rất đa dạng.

“Chỉ cần một hành khách check-in xong rồi quên giờ lên máy bay, đi dạo lòng vòng là cả chuyến sẽ bị chậm”, một đại diện của Cảng vụ miền Bắc kể trong chuyến thị sát cùng Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Để giảm chậm chuyến do hành khách, các hãng hàng không áp dụng biện pháp đi gọi từng khách đã làm thủ tục chuyến bay trước giờ dừng làm thủ tục 10 phút.

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc phát triển của VietjetAir cho biết, nhiều trường hợp hành khách đi mua sắm, uống cà phê hay vào phòng hút thuốc mà đến giờ bay vẫn chưa lên máy bay, hãng phải tìm bằng được. Việc này gây chậm chuyến và sẽ chậm nghiêm trọng nếu không tìm thấy khách và buộc phải đưa hành lý của khách đó ra khỏi máy bay trước khi khởi hành.

Theo bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, nhiều chuyến bay bị chậm, hủy chuyến một phần do sự tham gia của các hãng hàng không giá rẻ, thu hút một lượng khách, trong đó có rất nhiều người mới đi máy bay lần đầu.

“Các hãng hàng không giá rẻ có những khách chưa đi máy bay bao giờ, nên hiểu biết quy định về an ninh, an toàn rất hạn chế. Nhiều hành khách không chấp hành quy định, tranh cãi… cũng khiến chuyến bay chậm giờ”, bà Minh cho biết.

Ngay trong khi thực hiện đợt kiểm tra, Đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam phải xử lý hai chuyến bay bị chậm với lý do cực… hy hữu. Theo đó, một chuyến bay của Hãng hàng không Jetstar Pacific bị chậm 3 tiếng rưỡi do một lông chim bám vào hệ thống cảm biến, khiến máy tính đưa ra cảnh báo có khói trong khoang chở hàng; một chuyến khác của VietjetAir bị chậm 1 tiếng do một nữ hành khách xin xuống máy bay khi chuyến bay chuẩn bị khởi hành.

Ngoài việc trông cậy ý thức hợp tác của hành khách mà chắc chắn phải rất lâu nữa mới được cải thiện, bản thân các hãng hàng không cũng phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp “tự cứu” mình.

Ông Lê Ngọc Lâm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Hãng hàng không VietJetAir cho biết, Hãng đã bổ sung ngay kế hoạch bố trí máy bay dự phòng. Việc này không có nghĩa là để hẳn một máy bay nằm không để “trám” vào lịch khai thác khi có hiện tượng chậm, hủy chuyến, mà bố trí mỗi máy bay ở chế độ chờ từ 3 đến 6 tiếng/ngày, thực hiện luân phiên ở mỗi sân bay khác nhau.

“Như vậy, lúc nào hãng cũng có 1 máy bay nằm chờ, sẵn sàng ‘chia lửa’ khi lịch bay biến động”, ông Lâm cho biết.

VietjetAir cũng là hãng hàng không hợp tác chặt chẽ nhất với Cục Hàng không Việt Nam trong việc cung cấp các số liệu, nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến. So với cuối tháng 6/2014, tỷ lệ chậm chuyến bình quân trong 10 ngày đầu tháng 7 đã giảm từ 24,5% xuống còn 20,4%.

Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh lý do thời tiết bất lợi, văn hóa đi máy bay của một bộ phận hành khách còn nhiều bất cập, thì cơ sở hạ tầng tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài bị quá tải trầm trọng cũng là những yếu tố rủi ro, vượt tầm kiểm soát của các hãng hàng không.

Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, Sân bay hiện có 47 chỗ đỗ, nhưng chỉ khai thác 38 chỗ, còn lại dành cho trường hợp khẩn cấp và đậu máy bay qua đêm.

“Giờ cao điểm, Tân Sơn Nhất phục vụ được 29 chuyến bay/giờ, nhưng thực tế đã lên 33 chuyến/giờ, nên có tình trạng máy bay phải chờ sân đỗ, đường lăn. Cảng có công suất tối đa 20 triệu khách/năm, nhưng năm 2013 đã vượt con số này, khiến hạ tầng quá tải, gây ùn ứ khách làm thủ tục”, ông Tú thừa nhận.

Hiện hành trình bay chặng Hà Nội - TP.HCM của các hãng hàng không đã bị kéo dài từ 1 giờ 45 phút lên 2 giờ 5 phút do ách tắc cả trên trời và dưới đất. Vào giờ cao điểm, máy bay đến Sân bay Tân Sơn Nhất thường phải bay vòng chờ trên không, khi đáp xuống, trong quá trình lăn vào sân đỗ vẫn phải dừng lại 1 - 2 lần chờ đường thoáng mới được vào khu vực trả khách.

Bên cạnh đó, bất chấp những nỗ lực nâng cấp, mở rộng diện tích sảnh đi, vào những giờ cao điểm, tại Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh nhân viên các hãng hàng không nhớn nhác giơ biển tìm khách bay của mình đang bị cuốn vào đám đông đặc như bèo tấm xếp hàng chờ qua cửa kiểm soát an ninh hàng không.

Tình trạng này dự báo là sẽ tiếp tục trầm trọng hơn cho đến khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác trong 10 - 15 năm tới.

“Trong bối cảnh hạ tầng chưa thể cải thiện được ngay, thì cùng với việc rà soát, chỉnh sửa những khiếm khuyết trong hệ thống, các hãng hàng không cần thay đổi thái độ ứng xử đối với các hành khách trong trường hợp bị chậm, hủy chuyến”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục