“Giấc mơ bay” lận đận của Boeing

Liên tiếp gặp hạn kể từ lần đầu ra mắt, 787 Dreamliner dính hàng loạt lỗi, làm tổn hại trầm trọng danh tiếng và tài chính của nhà sản xuất máy bay danh tiếng Boeing.
“Giấc mơ bay” lận đận của Boeing

787 Dreamliner là niềm tự hào về công nghệ tiên tiến của hãng máy bay Mỹ - Boeing. Được mệnh danh là "giấc mơ bay" hay "khách sạn bay", Boeing 787 quảng cáo tiết kiệm 20% nhiên liệu so với B767 cùng kích cỡ, sử dụng vật liệu composite bền, nhẹ cùng tính năng chống ồn động cơ. Tuy nhiên, từ khi ra mắt thiết kế lần đầu năm 2005, "giấc mơ bay" đã liên tục gặp hạn.

 

Hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) trở thành khách hàng đầu tiên của Boeing 787 Dreamliner khi đặt tới 50 chiếc, giao vào cuối năm 2008. Tháng 10/2010, Boeing cho biết phải đến đầu năm 2011 ANA mới có thể nhận được sản phẩm do hãng sản xuất động cơ Rolls-Royce cần đảm bảo thiết bị hoạt động tốt trong tình trạng khắc nghiệt.

 

Đến tháng 11/2010, trong lần bay thử nghiệm từ Arizona đến Texas (Mỹ), Dreamliner phải hạ cánh khẩn cấp do phát hiện có khỏi bốc ra từ khoang hành khách. Hãng sau đó đã lên tiếng khẳng định việc này không liên quan đến động cơ. Dù vậy, sự cố trên vẫn khiến cổ phiếu Boeing lao dốc 3,2% trên sàn chứng khoán New York . Còn giới đầu tư thì cho rằng tương lai giao hàng đúng hạn của hãng ngày càng mù mịt.

 

“Giấc mơ bay” lận đận của Boeing ảnh 1

Chiếc Boeing 787 của ANA gặp sự cố pin hồi tháng 1. Ảnh: Bloomberg

 

Đúng một năm sau, chiếc Boeing 787 đầu tiên cất cánh tại Nhật Bản, sau gần một tháng bàn giao cho ANA. Tổng cộng, đơn hàng của họ đã bị trì hoãn tới 7 lần với các lý do chưa sản xuất xong, thử phần mềm nâng cấp, sự cố hay lắp đặt tấm năng lượng mới.

 

Và cũng kể từ đó, các tai nạn với "Giấc mơ bay" liên tiếp xảy ra. Ngày 4/12/2012, chiếc 787 chở gần 190 hành khách của United Airlines (UAL) phải hạ cánh khẩn cấp xuống New Orleans khi một trong 6 máy phát điện gặp trục trặc. Dù vậy, theo đại diện của hãng hàng không Mỹ, sự việc có vẻ chỉ liên quan đến bản thân chiếc máy bay chứ không phải cả dòng Boeing 787.

 

Chỉ một ngày sau, Cục Hàng không Mỹ (FAA) lại ra lệnh điều tra dòng máy bay này sau sự cố rò rỉ nhiên liệu trên hai máy bay của Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways. Đến giữa tháng, United Airlines lại thông báo gặp vấn đề với hệ thống điều khiển điện. Còn Qatar Airways cũng phải hạ cánh khẩn cấp vì lỗi máy phát tương tự United Airlines.

 

Ngày 7/1, một máy bay của JAL bốc cháy tại sân bay quốc tế Logan Boston (Mỹ), khi vừa hạ cánh từ Tokyo . Nguyên nhân có thể là nổ pin phụ trợ. Trước đó, một chiếc 787 khác của họ đỗ tại đây cũng bị phát hiện có tia lửa điện.

 

Hơn một tuần sau, đến lượt 787 của ANA phải hạ cánh khẩn cấp khi phi công phát hiện có khói tỏa ra từ khoang thiết bị điện. Trước đó, họ cũng nhận được cảnh báo của hệ thống về lỗi pin. Ngay sau đó, cả hai hãng này tuyên bố dừng hoạt động 24 chiếc 787 vì lý do an toàn.

 

Sau hàng loạt sự cố trên, Bộ Giao thông Nhật Bản tuyên bố lập nhóm điều tra các máy bay 787 của ANA và JAL. Ấn Độ cũng có động thái tương tự với 6 chiếc Dreamliner của hãng hàng không quốc gia Air India .

 

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sau đó nhập cuộc khi quyết định cấm tất cả máy bay dòng 787 của Boeing cất cánh cho đến khi hãng này chứng minh được các loại pin lithium-ion được sử dụng là "an toàn và đúng tiêu chuẩn". Đây là lần đầu tiên sau 34 năm cơ quan này ra lệnh cấm với toàn bộ một dòng sản phẩm. Sau thông báo của FAA, cổ phiếu của Boeing trên sàn chứng khoán New York mất giá 1,9%, mức giảm lớn thứ hai của hãng sau ngày 1/6 năm ngoái.

 

Theo giới phân tích, sự cố của Boeing có ảnh hưởng rất lớn. Không chỉ bản thân hãng thiệt hại cả về tài chính và hình ảnh, sau khi ném tới 30 tỷ USD vào dự án. Các hãng hàng không cũng phải hoãn, hủy chuyến, thay đổi lịch bay và xếp xó hàng chục chiếc 787 với giá hơn 200 triệu USD mỗi chiếc. Riêng ANA thiệt hại 14 triệu USD doanh thu và hủy tới hơn 3.600 chuyến bay cho đến cuối tháng 5.

 

Đầu tháng 4, Boeing tuyên bố hoàn tất việc sửa chữa và bay thử nghiệm thành công lần hai với dòng Dreamliner. Kỹ sư của hãng đã phải chia làm nhiều nhóm đến các quốc gia mua máy bay để thay pin mới.

 

“Giấc mơ bay” lận đận của Boeing ảnh 2

Máy bay của Ethiopian Airlines bốc cháy tại London (Anh). Ảnh: BBC

 

Sau đó vài tuần, chiếc 787 của hãng hàng không Ethiopian Airlines ( Ethiopia ) đã hạ cánh an toàn tại Kenya . Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên của Boeing 787 kể từ sau sự cố pin. Sau đó, lần lượt United Airlines, Japan Airlines và All Nippon Airways cũng thông báo phục hồi các chuyến bay sử dụng Boeing 787. Giới chuyên gia đã kỳ vọng đây là bước ngoặt cho đại gia máy bay Mỹ.

 

Tuy nhiên, vận đen chưa buông tha "Giấc mơ bay" khi đầu tháng 6, JAL phát hiện bộ phận cảm biến nhiệt độ trong loại pin mới được thay có vấn đề. Ngày hôm sau, máy bay của họ lại gặp trục trặc với hệ thống chống đóng băng.

 

Ngày 12/6, máy bay của All Nippon Airways cũng gặp vấn đề khi động cơ bên phải không khởi động, khiến khách hàng phải chuyển sang một máy bay khác. Nghiêm trọng nhất là sự cố máy bay của Ethiopian Airlines bốc cháy tại Sân bay Heathrow (Anh) hôm 12/7. Nguyên nhân của sự việc vẫn đang được giới chức Anh – Mỹ phối hợp làm rõ.

 

Sau tin tức trên, cổ phiếu của Boeing đã có màn lao dốc ngày mạnh nhất hai năm trên sàn chứng khoán New York . Giới phân tích đều cho rằng đây là đòn chí mạng với hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Carter Copeland tại Barclays cho biết: "Nếu sự cố lần này lại liên quan đến pin, cổ phiếu của Boeing sẽ rất thảm khi giới đầu tư tính toán lại chi phí liên quan đến một đợt cấm bay mới, khả năng ngừng sản xuất trong tương lai hay chi phí thiết kế lại". Các chuyên gia hàng không ước tính sự cố pin đã khiến Boeing thiệt hại hàng trăm triệu USD.

 

Việc này còn diễn ra đúng lúc kỳ phùng địch thủ của Boeing – hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus tung ra A350 XWB. Được phát triển trong gần một thập kỷ, đây là câu trả lời của Airbus với dòng Dreamliner. Ngày 14/6, A350 đã bay thử nghiệm thành công tại Pháp và nhận được gần 80 đơn hàng trị giá hơn 21 tỷ USD tại Triển lãm Hàng không Paris ngay sau đó.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục