Và không chỉ là dự án FDI, rất nhiều dự án đầu tư trong nước cũng đang lâm tình trạng “treo” tiến độ. Việc siêu Dự án Saigon SunBay, do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư, vốn đăng ký 1,5 tỷ USD, sau 7 năm triển khai vẫn giậm chân tại chỗ và chỉ xây dựng thành công được một bức tường và một kè đá, mà Báo Đầu tư đã phản ánh, cũng là một ví dụ điển hình.
Điều đáng nói là, dù cả ba dự án này đều ở TP.HCM, cùng chậm triển khai, song cho đến nay, chưa có những nỗ lực đáng kể từ các bên để giải quyết. Vì thế, những “cảnh báo đỏ” về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án này, theo các chuyên gia kinh tế, là cần thiết, nếu như chủ đầu tư không có những động thái tích cực trong triển khai dự án.
Đây cũng là việc mà thời gian gần đây, các địa phương trong cả nước đang nỗ lực thực hiện, nhằm xử lý các dự án đầu tư cả trong và ngoài nước chậm triển khai, “treo” tiến độ, nhằm “làm sạch” các dự án xấu để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự có nhu cầu và tiềm lực tài chính.
Tỉnh Đồng Nai, cuối năm ngoái cũng đã đề xuất việc thu hồi dự án 2 tỷ USD của chính Berjaya. Và cách đây chưa lâu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh cũng đã cương quyết chỉ đạo, không được để tồn tại dự án treo, đặc biệt trong các khu công nghiệp.
Trong một nỗ lực khác, qua kiểm tra, rà soát 380 dự án tại các khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp Đà Nẵng mới đây đã đề xuất lãnh đạo Thành phố thu hồi toàn bộ và thu hồi một phần đối với 18 dự án. Nhiều dự án trong số này, theo ông Thái Bá Cảnh, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất Đà Nẵng, đã được cấp chứng nhận đầu tư từ những năm 2007 - 2008 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa, mới đây cũng đã đồng ý thu hồi 15 dự án đầu tư vì chậm triển khai và cố tình chây ỳ không hợp tác với các cơ quan chức năng để giải quyết vướng mắc, khó khăn. Điều đáng nói, đây mới chỉ là con số nhỏ trong tổng số 70 dự án chậm tiến độ chỉ trên địa bàn TP. Nha Trang.
Còn Bà Rịa - Vũng Tàu, trong nỗ lực “xử” dự án treo, từ đầu năm đến nay, cũng đã thu hồi 2 dự án FDI chậm triển khai, là Dự án Công ty TNHH Bina Puri và Công ty TNHH Thiên Thanh, với vốn đầu tư 1,3 triệu USD. Với các dự án trong nước, con số này là 7 dự án, với 1.504 tỷ đồng.
Một điều dễ nhận thấy, 4 tháng qua, không có nhiều thông tin về các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án FDI quy mô lớn bị thu hồi chứng nhận đầu tư. Không xuất hiện các dự án vốn đầu tư hàng tỷ USD, như Bãi Biển Rồng (4 tỷ USD), Thép Cà Ná (9,8 tỷ USD), hay Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (1,68 tỷ USD); Công viên Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa - Vũng Tàu - 1,3 tỷ USD)... bị thu hồi, giống như 2-3 năm vừa qua, nhưng còn hàng loạt dự án quy mô lớn khác chậm tiến độ cần tiếp tục rà soát để có hướng xử lý kịp thời.
Thông tin gần đây về Dự án Dream City, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, của Công ty Việt Hân, có thể vẫn mãi chỉ là một giấc mơ không khỏi khiến dư luận bức xúc. Chưa kể, còn có thể nhắc tới các dự án Saigon Atlantic (Bà Rịa - Vũng Tàu - 4 tỷ USD), NewCity (Phú Yên - 4 tỷ USD), Thép Guang Lian (Quảng Ngãi - 3 tỷ USD)… nhiều năm liền chưa triển khai.
Trong nỗ lực “dọn dẹp” dự án xấu, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng năm 2013 và cũng chỉ riêng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cả nước đã thu hồi 86 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký lên tới trên 828 triệu USD. Ngoài ra, còn có 174 dự án đầu tư trong nước thuộc diện này, với tổng lượng vốn đầu tư bị giảm trừ hơn 57.000 tỷ đồng. Những con số không hề nhỏ.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, thực hiện chỉ thị của Chính phủ, hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Vì thế, số lượng dự án và số vốn bị thu hồi còn có thể lớn hơn nữa. Tuy nhiên, đây là động thái cần thiết để tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng, nhằm tạo thuận lợi và cơ hội cho các nhà đầu tư đích thực.