Đi mắc nợ, ở không xong
Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền, ông Huỳnh Châu Sang cho biết, để nhường chỗ cho Dự án Mở rộng Chợ Bắc Sơn và Khu dân cư phường Vĩnh Lạc, đơn vị đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của chính quyền địa phương là đầu tư nhà máy mới.
Để có được nhà máy chế biến thủy sản tương đương công suất Nhà máy Ngô Quyền cũ, năm 2009, Công ty Ngô Quyền đã đầu tư gần 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy mới tại khu cảng cá Tắc Cậu ở huyện Châu Thành (Kiên Giang). Mặc dù nhà máy đã hoàn thành từ cuối năm 2010, nhưng vẫn chưa chính thức hoạt động do phải chờ di dời một số máy móc đắt tiền, như lò cấp đông lạnh và một số thiết bị quan trọng khác từ nhà máy Ngô Quyền cũ.
“Do việc định giá bồi thường chưa xong, nên Công ty không thể di dời máy móc thiết bị nhà xưởng. Vì thế, Công ty lâm vào thế kẹt, đi không được, mà ở cũng không xong. Hậu quả là, năm 2011, Công ty phải gánh số lãi ngân hàng lên đến trên 4 tỷ đồng do đầu tư nhà máy mới, nhưng không thể hoạt động hết công suất. Đó là chưa kể, vô số chi phí phát sinh, như vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu qua lại ở hai nhà máy cũ và mới cách xa nhau 30 km; nhân sự quản lý tăng, công nhân ở nhà máy Ngô Quyền không an tâm làm việc, kéo theo đó là công suất nhà máy giảm gần 50% so với trước, dẫn đến các thiết bị máy móc chạy dư tải làm tăng chi phí giá thành, hiệu quả kinh doanh thấp”, ông Sang nói.
Theo ông Sang, nguyên nhân “giằng co” kéo dài là do các bên không thống nhất được giá cả đền bù, chủ yếu do chủ đầu tư đưa ra giá quá thấp. Tuy nhiên, để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, ngay sau khi hoàn thành các thủ tục về thẩm định giá trị tài sản trên mặt đất của chủ đầu tư, đến tháng 9/2012, Nhà máy Ngô Quyền mới chính thức di dời toàn bộ hoạt động về địa điểm mới. Thế nhưng, sau đó, đến giữa năm 2013, Công ty vẫn chưa nhận được đồng nào từ số tiền đền bù giải tỏa gần 23 tỷ đồng.
Dự án tiếp tục “đắp chiếu”
Sau nhiều lần hứa hẹn của chủ đầu tư, đến ngày 6/6/2013, UBND TP. Rạch Giá đã tổ chức cuộc họp với Công ty Ngô Quyền về việc thống nhất thời gian chi trả bồi thường và hỗ trợ. Theo Biên bản thống nhất giữa các bên, tiến hành chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ chia thành 2 đợt gồm: đợt 1, nhà đầu tư chi trả 5 tỷ đồng vào ngày 20/6/2013; đợt 2, số tiền còn lại sẽ trao trả trước khi UBND TP. Rạch Giá thông báo yêu cầu bàn giao mặt bằng. Sau đó, nhà đầu tư giao trả cho Công ty Ngô Quyền 5 tỷ đồng và đến nay, “bặt vô âm tín”, mặt dù đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho từng đối tượng bị giải tỏa.
Ông Nguyễn Văn Hôn, Phó chủ tịch UBND TP. Rạch Giá cho biết, ông đã nhắc nhở đơn vị nhà đầu tư nhiều lần về việc chi trả dứt điểm số tiền còn lại cho Công ty Ngô Quyền để tiến hành bàn giao mặt bằng và triển khai Dự án. Tuy nhiên, do nhà đầu tư báo lại là thủ tục giải ngân của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án này chưa hoàn chỉnh và chưa thu xếp được nguồn vốn khác. Vì thế, chủ đầu tư (UBND TP. Rạch Giá) chỉ biết… chờ nhà đầu tư.
Năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang có chủ trương quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng chợ Bắc Sơn và thông báo giải tỏa Nhà máy của Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền. Đến ngày 21/10/2010, UBND TP. Rạch Giá ban hành Quyết định 203/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng chợ Bắc Sơn và khu dân cư ở phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) với quy mô sử dụng đất 20.441 m2 theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Theo đó, chính quyền địa phương giao Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Kiên Giang làm nhà đầu tư, với tổng giá trị bồi thường hỗ trợ giải tỏa 36 tỷ đồng.
Chợ Bắc Sơn giai đoạn I đã được nhà đầu tư đưa vào khai thác từ 4 năm qua và đang quá tải. Trong khi đó, Dự án giai đoạn II mở rộng Chợ Bắc Sơn và khu dân cư đến nay vẫn nằm trên giấy, vì nhà đầu tư chưa giao tiền đền bù giải tỏa cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Rạch Giá để chi trả bồi thường cho các tổ chức, cá nhân trong vùng Dự án.