TP. HCM “treo giò” gần 1.000 dự án: tin vịt!

(ĐTCK) Mấy ngày qua, thị trường bất động sản xôn xao với thông tin TP. HCM công bố gần 1.000 dự án bất động sản bị “treo giò”. Nhưng đó là thông tin nhầm lẫn hoặc cố tình gây sốc…
TP.HCM hiện có 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng TP.HCM hiện có 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng

TP. HCM “treo giò” gần 1.000 dự án: tin vịt! ảnh 1

TP.HCM hiện có 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng

Trao đổi với phóng viên ĐTCK, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM khẳng định: “Sở Xây dựng chưa bao giờ công bố thông tin này.

Chỉ có vào khoảng tháng 7 - 8 năm nay, Sở Tài nguyên - Môi trường công bố danh sách 49 dự án bị thu hồi, tập trung chủ yếu ở các quận vùng ven, các huyện ngoại thành, trong đó có 20 dự án ở khu Nam Thành phố.

Đặc điểm chung của các dự án này là được chấp thuận địa điểm đầu tư khá lâu, có những dự án đến 12 năm và qua nhiều lần gia hạn, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. Hơn nữa, việc thu hồi, quản lý đất đai và công bố thông tin xung quanh vấn đề sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng là đơn vị phối hợp thực hiện”.

Không chỉ Sở Xây dựng phủ nhận thông tin trên mà ngay cả đại diện Phòng Sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM cũng hoàn toàn bất ngờ. Vị này khẳng định: “Mới được nghe thông tin trên lần đầu và Sở Tài nguyên - Môi trường chưa có văn bản chính thức nào công bố như vậy”.

Trên thực tế, hiện TP. HCM có 85 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương cho phép đầu tư, trong đó có 49 dự án bị thu hồi đã được chính thức công bố trước đó. Còn con số 689 dự án (được biến thành gần 1.000) đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng được “cắt” ra từ bản kiến nghị được UBND TP. HCM gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11/2013 về “tăng cường giải pháp quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố”.

Rõ ràng, cụm từ “ngưng triển khai đầu tư xây dựng” có nội hàm khác hẳn với “bị treo giò”. Và con số này cũng từng được ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng đưa ra tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được Bộ Xây dựng tổ chức tại phía Nam vào tháng 5/2013 khi đại diện này lý giải việc vì sao có quá nhiều dự án không thể triển khai, chậm triển khai do “DN kinh doanh nhà ở yếu về vốn, thiếu tính chuyên nghiệp.

Trong đó, quy định mức vốn pháp định tối thiểu là 6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khi triển khai dự án (15 - 20%) tổng mức đầu tư. Theo thống kê có 70,5% DN kinh doanh bất động sản có quy mô vốn nhỏ (dưới 10 tỷ đồng)…”. Như vậy, có thể kết luận rằng, một số phương tiện thông tin đại chúng đã bị nhầm hai khái niệm trên, gây nên những xáo động trên thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng rất ngạc nhiên trước con số “gần 1.000 dự án bị chính quyền treo giò”.

“Trong bất kỳ một kiến nghị nào gửi bằng văn bản hay phát biểu trực tiếp trong các hội nghị, hội thảo, Hiệp hội đều đưa ra những con số cụ thể.

Trong gần 700 dự án được liệt kê thì bao gồm cả những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng trên thực tế DN chưa  triển khai gì”, ông Châu cho biết và nói thêm, trong số đó có nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng, một số dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư không triển khai vì chưa thấy đầu ra; có dự án vướng về thủ tục hành chính như xin điều chỉnh, thay đổi công năng, thiết kế…

Tất cả những lý do đó khiến các dự án không triển khai được, chứ chưa có tác động từ phía chính quyền.

Về con số gần 700 dự án ngừng triển khai đầu tư xây dựng như báo cáo, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết: “Ngừng là chuyện đương nhiên và số dự án thực tế ngừng còn cao hơn nữa, nếu cộng cả các dự án đang dở dang hoặc thi công cầm chừng. Lúc này, kể cả có đất sạch, có tiền cũng chưa chắc dám triển khai dự án mới bởi vấn đề đầu ra, phải tính toán bán cho ai, giá thành thế nào là hợp lý.

Sẵn đất, sẵn tiền còn phải ngừng để tính toán, nói gì đến mấy ông chưa giải phóng xong mặt bằng, lại không còn tiền”.

Trao đổi với ĐTCK, nhiều chủ đầu tư cho biết, dự án của họ bế tắc hoàn toàn, nhưng “chẳng lẽ lại lên xin chính quyền thu hồi” nên chỉ đợi có trong danh mục thu hồi là sẵn sang giao nộp, chấp nhận mất một khoản đầu tư trước đó.

Hầu hết các dự án này đều ở xa trung tâm Thành phố, mức đầu tư cao và “có bói” cũng không ra khách hàng tại thời điểm này. Thực tế, khi thị trường sốt, hầu hết chủ đầu tư đều xin thêm vài dự án làm “của để gành”. Còn trong thời gian này, rất ít chủ đầu tư dám mạo hiểm triển khai dự án mới. Việc Công ty TECCO khởi công Dự án Tecco Green Nest tại đường Phạm Văn Hớn (quận 12), đã là một “hiện tượng” của thị trường bất động sản TP. HCM gần đây.

Tuy nhiên, lấy một con số về dự án “ngừng triển khai” thuộc yếu tố chủ quan của các DN để biến thành việc Thành phố “treo giò” gần 50% số dự án bất động sản trên địa bàn thì hoàn toàn là một… tin vịt.

>> TP. HCM cấp sổ không qua chủ đầu tư

>>TP. HCM gỡ khó cho người nộp thuế

>>Doanh nghiệp địa ốc TP. HCM lại “dở chứng”

Trung Kiên
Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục