Xiaomi bắt tay Google mở rộng thị trường tại các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam

(ĐTCK) Mới tăng trưởng trở lại trong năm nay sau nhiều lần thất bại trước các đối thủ trong nước, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Xiaomi đã đặt tầm nhìn rộng trên phạm vi thị trường quốc tế để duy trì đà tăng trưởng khó khăn này.
Xiaomi bắt tay Google mở rộng thị trường tại các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam

Xiaomi vừa công bố hợp tác với Google và cho ra mắt chiếc điện thoại Mi A1 - thiết bị đầu tiên trong chương trình Android One mở rộng (chương trình phát triển các smartphone giá rẻ chạy Android gốc). Mặc dù có giá khá rẻ tại thị trường Ấn Độ (230 USD), nhưng Mi A1 vẫn sở hữu thiết kế nguyên khối bắt mắt và phần cứng khá, điểm nhấn là cụm camera kép hỗ trợ zoom quang học và hệ thống phần mềm do Google phát triển.

Ông Wang Xiang, Phó chủ tịch cấp cao của Xiaomi, cho biết: “Mi A1 là sản phẩm chiến lược trong quá trình mở rộng thị phần toàn cầu của chúng tôi, đánh dấu bước tiến mới trên hành trình mang đến những cải tiến công nghệ dành cho người dùng”.

Theo ông Wang, ngoài thị trường Ấn Độ, Xiaomi cho biết sẽ bán Mi A1 tại 40 thị trường khác trên toàn cầu, bao gồm Indonesia, Ba Lan, Việt Nam, Nga, Hồng Kông, Đài Loan, Ukraine, Mexico...

Xiaomi bắt tay Google mở rộng thị trường tại các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam ảnh 1

 Mi A1 là sản phẩm chiến lược trong quá trình mở rộng thị phần toàn cầu của Xiaomi

Theo Forbes, Xiaomi đang trên đà phát triển trở lại, sau khoảng thời gian 2 năm bị các đối thủ cạnh tranh nội địa chèn ép.

Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ các công ty như Canalys, IDC và Strategy Analytics, trong quý II/2017, Xiaomi đã quay trở lại top 5 nhà sản xuất điện thoại có số máy bán ra nhiều nhất. Công ty đã bán ra 21,2 triệu máy trên toàn thế giới, đạt mốc tăng trưởng gần 60% so với năm trước.

Tuy nhiên, Xiaomi vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trên thị trường nội địa. Công ty phải đảm bảo duy trì các chiến dịch quảng cáo trên internet thường xuyên để cạnh tranh với các đối thủ, đồng thời chạy đua để mở các cửa hàng bán lẻ, bởi tâm lý người tiêu dùng vẫn muốn được trải nghiệm dùng thử sản phẩm trước khi mua hàng.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến này đặc biệt khó khăn với Xiaomi, bởi vì chi phí đất đai và nhân công tại Trung Quốc đang gia tăng, đặt một áp lực lớn lên lợi nhuận.

Trong khi đó, thị trường quốc tế lại là một cơ hội hấp dẫn. Sự thâm nhập của smartphone tại Trung Âu và Đông Nam Á lần lượt là 54% và 38%. Ngoài ra, hình ảnh thương hiệu “đáng đồng tiền bát gạo” của Xiaomi có thể sẽ phát huy tích cực ở những khu vực này, vì người dùng tại đây thích những chiếc smartphone được tích hợp các tính năng mới nhất như cụm camera kép hay cảm biến vân tay, với giá thấp hơn 300 USD - tức là rẻ hơn một nửa so với giá một chiếc iPhone 7 hiện tại.

Nắm bắt cơ hội đó, Xiaomi đang thực hiện một chiến lược toàn cầu hai mặt. Trong tất cả các sản phẩm, công ty chỉ bán ra 4 mẫu điện thoại ở nước ngoài là Mi A1 và 3 thiết bị rẻ hơn thuộc dòng Redmi, nhằm nhắm trúng mục tiêu là những khách hàng trẻ tuổi, Phó chủ tịch Wang giải thích.

Xiaomi bắt tay Google mở rộng thị trường tại các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam ảnh 2

Xiaomi đang đầu tư vào việc xây dựng 2.000 cửa hàng Mi Home trên toàn thế giới  

Cùng với đó, hiểu được tầm quan trọng của việc mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ từ các đối thủ, Xiaomi đang đầu tư vào việc xây dựng 2.000 cửa hàng Mi Home trên toàn thế giới cho đến năm 2019, gấp hai lần số lượng cửa hàng trên toàn cầu của Apple hiện tại.

“Ở hầu hết các nước, số đơn hàng bán ra trên các kênh trực tuyến chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Nếu chúng tôi chỉ bán trực tuyến, sẽ rất khó để có được ảnh hưởng lớn”, ông Wang cho biết.

Tại Ấn Độ, Xiaomi đang đạt được thành công tương đối. Theo phân tích của Counterpoint Research, Xiaomi hiện là thương hiệu smartphone đứng thứ hai tại Ấn Độ với 15,5% thị phần, chỉ đứng sau Samsung với 24% thị phần. Công ty đang nhắm mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD tại nước này cho đến cuối năm nay.

Các thị trường khác mà Xiaomi đang phát triển tốt bao gồm Indonesia và Ba Lan. Cụ thể, tại Ba Lan, lô hàng của Xiaomi tăng gấp đôi so với quý trước lên 220.000 máy trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2017. Theo Canalys, tổng doanh thu trên thị trường quốc tế hiện chiếm 37% tổng doanh thu của Xiaomi.

Tất nhiên, sự cạnh tranh vẫn đang ngày một gay gắt hơn, đặc biệt là khi các nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc đều đang nhắm mục tiêu phát triển thị trường Ấn Độ và Indonesia cho sự tăng trưởng. Song, Xiaomi trước mắt vẫn khá tự tin nhờ nguồn lực tài chính vững chắc của mình khi mới huy động được 1 tỷ USD hồi tháng 7 vừa qua.

“Chúng tôi rất vững về mặt tài chính”, Phó chủ tịch Wang nhấn mạnh, “Chúng tôi không phải là một không ty sản xuất smartphone kiểu truyền thống, mà là một công ty kinh doanh những sản phẩm đáng tiền”.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục