“Kỳ lân” nở rộ
7 năm qua, 4 trong số 7 công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị lớn nhất thế giới đều thuộc về Trung Quốc. Trong đó, Didi Chuxing, công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đã đánh bật Uber khỏi Đại lục và Xiaomi, nhà sản xuất smartphone tại Bắc Kinh, đều có giá trị cao hơn so với Airbnb và Snapchat.
Ngoài ra, theo hãng nghiên cứu CB Insights, 5 công ty tư nhân Trung Quốc có giá trị ít nhất 10 tỷ USD và 37 công ty có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.
10 startup có giá trị lớn nhất hiện nay
Trong 3 năm qua, tốc độ ra đời của các “kỳ lân” ngành công nghệ tại Trung Quốc vượt trội so với thế giới. Trước đó, giai đoạn 2010 - 2013, theo giới đầu tư, mỗi năm chỉ có 1 công ty tư nhân có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên tại Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2014, con số này là 5 công ty và tăng vọt lên 19 công ty trong năm 2015. Và trong 10 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc có thêm 10 “kỳ lân” mới.
Các start-up tại Trung Quốc, từng bị chế nhạo rằng chỉ giỏi bắt chước, song hiện đang được xem là những “kẻ chinh phục” đầy năng lực trên thị trường toàn cầu.
Tại một hội thảo công nghệ tổ chức đầu năm nay ở Bắc Kinh, CEO Uber Travis Kalanick nhận định: “Trong 5 năm tới, sẽ có nhiều những sáng tạo, phát minh, nhiều doanh nhân khởi nghiệp xuất hiện tại Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng, hơn tại Thung lũng Silicon”.
6 tháng sau đó, Kalanick thông báo đã bán lại hoạt động kinh doanh của Uber Trung Quốc cho đối thủ nội địa là Didi Chuxing, đánh dấu sự thất bại của một đế chế ngoại quốc với tân binh đầy sức mạnh tại Đại lục. Thậm chí, tờ Wired (Vương quốc Anh) đã lựa chọn CEO Xiaomi Lei Jun là gương mặt trang bìa năm nay, với dòng headline ấn tượng: “Đã tới lúc để bắt chước Trung Quốc”.
CEO Xiaomi Lei Jun trở thành gương mặt trang bìa với tít lớn "Đã tới lúc bắt chước Trung Quốc"
Ảo ảnh từ kỳ vọng
Mặc dù Bắc Kinh đang nổi lên như một trung tâm công nghệ mới của thế giới, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ tính chính xác về giá trị thực của các “kỳ lân” tại đây.
Cũng trong buổi hội thảo kể trên, các nhà đầu tư và chiến lược gia không khỏi băn khoăn về khả năng các start-up này có thể duy trì được các con số “trên trời”, khi phải tự mình gây quỹ hoặc tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.
“Một ‘kỳ lân’ sẽ chỉ là một ‘kỳ lân giấy’ nếu không chứng minh được giá trị thực của mình, bằng sản phẩm/dịch vụ cung cấp cho khách hàng”, Jenny Lee, nhà quản lý GGV Capital cho biết.
Bổ sung quan điểm trên, Gary Rieschel, nhà quản lý Quỹ Qiming Venture Partners nhận định, các start-up thường bắt đầu bằng cách chấp nhận mức định giá thấp và ít khi công khai giá trị cho đến khi hoạt động chính thức. Khó có chuyện, tất cả các công ty này có thể duy trì mức định giá cao khi tiến hành niêm yết hoặc đi vào kinh doanh thực sự.
Một ‘kỳ lân’ sẽ chỉ là một ‘kỳ lân giấy’ nếu không chứng minh được giá trị thực của mình, bằng sản phẩm/dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Thực tế, kỳ vọng dành cho các công ty công nghệ Trung Quốc bắt đầu bùng nổ từ năm 2014, khi Alibaba Group Holding Ltd tiến hành IPO và thu về 25 tỷ USD, trở thành vụ IPO có giá trị lớn nhất trong lịch sử.
Nhờ thành công này, Alibaba nhanh chóng trở thành tên tuổi hàng đầu, người sáng lập Jack Ma trở thành tỷ phú nổi tiếng thế giới và đánh dấu bước chuyển mới đối với ngành công nghệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
CEO Alibaba Jack Ma được The Time lựa chọn là gương mặt của năm 2014, sau thương vụ IPO đình đám
Khi các nhà đầu tư nóng lòng muốn tìm kiếm một “Jack Ma thứ hai”, các quỹ đầu tư không hề ngần ngại đổ vốn vào các start-up công nghệ tại Đại lục.
Giai đoạn 2012-2015, lượng vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty Internet tại Trung Quốc tăng gấp 5 lần, đạt 20,3 tỷ USD trong năm 2015, vượt xa con số 16,3 tỷ USD đầu tư vào các công ty công nghệ Mỹ trong cùng thời kỳ, theo số liệu của PriceWaterhouseCoopers.
Cùng với đó, số lượng các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng gia tăng tương ứng. Năm 2000, Trung Quốc có 100 quỹ đầu tư mạo hiểm đăng ký hoạt động. Tới năm 2015, con số này là 10.000 quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ góp vốn tư nhân, theo số liệu của hãng nghiên cứu Zero2IPO.
Một trong những công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng này, hoặc cũng có thể là nạn nhân xấu số nhất, đó là Xiaomi. Được sáng lập năm 2010, công ty khởi nghiệp này bắt đầu sự nghiệp bằng việc bán các điện thoại thông minh đầy đủ chức năng, vẻ ngoài bắt mắt với mức giá thấp trên website của mình.
Trong vài tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Xiaomi trở thành nhà bán smartphone lớn nhất Trung Quốc. 3 tháng sau khi Alibaba tiến hành IPO, Xiaomi trở thành cái tên yêu thích để các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn. Đây cũng là thời điểm giá trị của Xiaomi được định giá ở mức 46 tỷ USD, trở thành “kỳ lân” sáng giá nhất trên toàn cầu. Hiện tại, đây là start-up lớn thứ hai thế giới, sau Uber.
Tuy nhiên, ánh hào quang của Xiaomi đang dần tàn lụi. Trong hơn 1 năm qua, Xiaomi từ vị trí dẫn đầu thị trường thiết bị cầm tay Trung Quốc đã rơi xuống vị trí thứ tư.
Mặc dù vẫn là một “kỳ lân” ngành công nghệ, nhưng giá trị của Công ty hiện chỉ còn từ 4-10 tỷ USD, đó là trong trường hợp có thể tiếp tục huy động được vốn, theo ước tính của Clay Shirky, giáo sư tại NYU Thượng Hải, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Hạt gạo nhỏ: smartphone, Xiaomi và giấc mơ Trung Quốc”.
“Trong 18 tháng qua, Xiaomi đã đánh mất khoảng 90% giá trị”, Clay Shirky cho biết.
Nhận nhiều kỳ vọng từ giới đầu tư, tuy nhiên Xiaomi đang dần đánh mất ánh hào quang của mình trước các đối thủ cạnh tranh
Thêm vào đó, Clay chỉ ra giá trị thực sự của nhà sản xuất smartphone này so với các đối thủ khác hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, Lenovo Group Ltd tại Trung Quốc có thị phần tương đương với Xiaomi và hiện đang có giá trị thị trường khoảng 7 tỷ USD. Bên cạnh đó, Lenovo còn là nhà sản xuất máy tính lớn nhất trên thế giới.
“Xiaomi không thể lớn gấp 6 lần Lenovo”, GS. Shirky nói.
Mộng tưởng vỡ tan
Vancl, nhà bán lẻ các mặt hàng thời trang online, là một trong những “kỳ lân” thế hệ đầu tiên trong làn sóng khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Nhắm tới phân khúc khách hàng trẻ và có thu nhập trung bình, Vancl là công ty đầy hứa hẹn.
Năm 2011, Công ty nắm 7,7% thị phần tại thị trường quần áo và giày dép online tại Trung Quốc, chỉ đứng sau Alibaba, theo hãng nghiên cứu Euromonitor. Giá trị thị trường khi đó của Vancl đạt 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, Vancl thất bại trong việc mở rộng quy mô và phải vật lộn để quản lý các kho hàng. Tới năm 2015, thị phần của Vancl giảm xuống còn 2%, trong khi Alibaba vững chắc vị trí dẫn đầu và những tên tuổi như JD.com và VIPShop vượt lên phía trước.
Vancl cùng nhiều kỳ lân khác tại Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức
“Vancl xuất hiện và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời. Họ sẵn sàng vận chuyển hàng hóa miễn phí tới tận tay người mua, dù đó chỉ là đôi tất giá 8 Nhân dân tệ. Đó là một cách tốt để tạo nên danh tiếng. Nhưng vấn đề là nó ăn mòn biên lợi nhuận và người ta không thể xây dựng công ty bằng cách này”, Shaun Rein, Giám đốc China Market Research Group tại Thượng Hải, cho biết.
Hiện tại, giá trị của Vancl đã sụt giảm rất nhiều so với thời kỳ đỉnh cao. Qiming Venture Partners, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Vancl cho biết, công ty này đã phải tái cơ cấu lại nguồn vốn cách đây vài năm. Theo đó, giá trị của Vancl hiện vào khoảng 200 triệu USD.
Không riêng Vancl, nhiều “kỳ lân” ngành công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang đối mặt với những thách thức khó có thể vượt qua. Lu.com là công ty cho vay ngang hàng online, được định giá 18,5 tỷ USD và được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư quyền lực bậc nhất Đại lục, bao gồm cả tập đoàn tài chính khổng lồ Ping An Insurance Group.
Tháng 1/2016, CEO Gregory Gibb cho biết, Lu.com có kế hoạch niêm yết trong năm nay nhằm tăng vốn, nhưng kế hoạch này nhanh chóng bị lãng quên vài tháng sau đó, khi giới chức Trung Quốc siết chặt quy định cho vay online, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của Công ty.
Sau khi đánh bại Uber tại Đại lục, Didi đối mặt với khó khăn từ quy định của chính quyền các thành phố lớn
Ngay cả Didi Chuxing, hiện đã trở thành starup đứng thứ ba trên thế giới về giá trị, cũng đối diện với việc các thay đổi chính sách đe dọa tới hoạt động kinh doanh. Theo đó, các thành phố lớn nhất Trung Quốc dự định sẽ áp dụng quy tắc yêu cầu các tài xế của dịch vụ chia sẻ xe phải là người địa phương. Đây là vấn đề lớn với Didi, bởi đa phần các tài xế của công ty không đáp ứng được yêu cầu này.
Non nớt kinh nghiệm
Tất nhiên, nhà đầu tư kỳ vọng quá cao và các start-up “sớm nở tối tàn” không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc. “Thung lũng Silicon” cũng có một lịch sử dài đầy những vinh quang và đổ vỡ, đặc biệt là trong giai đoạn “khủng hoảng dotcom” 2000 - 2001. Giới đầu tư luôn biết rằng, cái gì tăng trưởng quá nhanh đều có nguy cơ lao dốc nhanh không kém. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc vẫn còn rất non trẻ, chưa từng trải qua những cơn địa chấn như “Thung lũng Silicon”.
Chưa kể, Trung Quốc chưa có kinh nghiệm để giải quyết sự đổ vỡ của các start-up đã “cất cánh” quá cao ngay từ phút đầu. Đa phần các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa được xây dựng trong vòng 15 năm qua, sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế gần đây nhất. Trong khi đó, giới chức nước này tỏ ra quá lúng túng trong việc kiểm soát các rủi ro tại thị trường tài chính.
Đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc tăng từ 6,6 tỷ USD năm 2013 lên hơn 50 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, theo hãng nghiên cứu Preqin. Tuy nhiên, trong quý III/2016, lượng vốn đầu tư đã giảm gần 50% so với năm trước đó. Với một số nhà đầu tư, đây có lẽ là tin tốt, bởi họ đã có thể hạn chế rủi ro đối với những “kỳ lân” mỏng manh hiện nay.
Các khoản đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc đã tăng vọt trong 3 năm gần đây
Điều mà các start-up công nghệ của Trung Quốc cần lúc này không hẳn là nguồn vốn đầu tư, mà là tự cải thiện thực tiễn hoạt động. Rất nhiều các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay đều đã được sáng lập, hoặc trưởng thành mạnh mẽ trong giai đoạn nền kinh tế đi xuống.
Bộ ba “ông lớn” ngành công nghệ Trung Quốc là Tencent (sáng lập năm 1998), Alibaba (1999) và Baidu (2000) đều đã phải tự mình sống sót qua giai đoạn đổ vỡ “bong bóng dotcom” để có được vị thế như ngày hôm nay.
“Bao nhiêu công ty trong số hơn 30 ‘kỳ lân’ tại Trung Quốc thực sự đáng giá tỷ USD? Có lẽ chỉ vài công ty. Vấn đề là khi một công ty có vẻ thành công, mọi người liền trở nên cả tin một cách ngờ ngệch và hỗ trợ công ty này. Điều này đã từng xảy ra tại Mỹ. Nó sẽ xảy ra tại Trung Quốc, nhưng theo cách khắc nghiệt hơn nhiều”, Duncan Clark, người sáng lập hãng tư vấn BDA China tại Bắc Kinh, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Alibaba: ngôi nhà Jack Ma đã xây”, cho biết.