Tìm ưu thế riêng
Oppo và Vivo là hai công ty con thuộc Tập đoàn BBK Electronics do tỷ phú ẩn dật Duan Yongping thành lập. Công ty Oppo được thành lập từ năm 2005, ban đầu chỉ bán máy nghe nhạc, đến năm 2011 mới được nâng cấp để phân phối smartphone. Còn Vivo là một thương hiệu smartphone khác cũng do BKK thành lập năm 2009.
Trả lời phỏng vấn lần đầu tiên trong 10 năm, Duan Yongping cho rằng, thành công của họ nằm ở sự nhanh nhạy với thị trường địa phương, điều mà Apple không theo kịp. Ngoài ra, yếu tố giúp Oppo và Vivo có thể cạnh tranh ở ngoài thị trường Trung Quốc là đưa các tính năng cao cấp vào những thiết bị giá rẻ.
“Apple không thể đánh bại chúng tôi ở Trung Quốc, bởi chính những lỗ hổng của họ. Họ đôi khi là những kẻ bảo thủ và cứng đầu. Họ đã làm được những điều tuyệt vời, chẳng hạn như hệ điều hành iOS lừng danh. Song, họ bị chúng tôi dẫn trước ở một số yếu tố khác”, tỷ phú 56 tuổi nhận xét.
Khi mới ra mắt, cả Oppo lẫn Vivo đều không gây được nhiều chú ý. Thời điểm đó, iPhone vẫn đang thu hút khách hàng nhờ hệ điều hành đột phá cùng giao diện tinh tế, còn BlackBerry là vua của giới doanh nhân. Là kẻ đi sau, Oppo và Vivo chọn cách đánh mạnh vào thị trường địa phương, nơi họ hiểu rõ thói quen của người dân. Hai công ty con của BKK chọn cách tiếp cận đậm tính thương mại là dựa vào các ngôi sao bản địa để thu hút đám đông người trẻ, rồi đưa cấu hình cao vào trong thiết bị. Oppo và Vivo đặc biệt tập trung vào những ưu thế nổi bật so với iPhone như camera chuyên chụp ảnh, khả năng sạc nhanh, bộ nhớ và pin.
Chiến thuật bán hàng offline
Xiaomi, một hãng smartphone được yêu thích tại Trung Quốc,vốn nổi tiếng nhờ chiến thuật bán hàng online trong thời gian ngắn, thực tế chỉ thành công ở các thành phố lớn và đông đúc. Ở vùng nông thôn, nơi người mua muốn được tư vấn và xem tận mắt sản phẩm, chiến thuật của Xiaomi trở nên vô dụng.
Apple, với mạng lưới dưới 40 cửa hàng tại Trung Quốc, cũng khó tiếp cận được người tiêu dùng ở các thành phố nhỏ. Tại khu vực này, Apple cũng khó tiêu thụ bởi iPhone có mức giá khá đắt đỏ so với người dân.
Nhờ đó, Oppo và Vivo khai thác sức mạnh tiêu dùng của các khách hàng ở vùng nông thôn cách xa các thành phố lớn. Chiến lược của họ là tránh sử dụng thương mại điện tử, thay vào đó tập trung phát triển các cửa hàng, nơi 3/4 số smartphone được bán ra. Oppo cho biết, họ bán smartphone của mình thông qua khoảng 40.000 cửa hàng tư nhân. Phía Vivo cũng có khoảng 20.000 cửa hàng.
Ngoài ra, trong khi Apple không muốn hợp tác với các cửa hàng địa phương vì phải trả phí trưng bày và quảng cáo, Oppo và Vivo lại sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với các cửa hàng này, nhờ đó tạo ra được một mạng lưới bán hàng tích cực và trung thành trên khắp Trung Quốc.
“Cả hai công ty này đều đầu tư rất mạnh cho hoạt động marketing”, Nicole Peng, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Canalys chia sẻ.
Cũng theo Peng, Oppo và Vivo có một vị trí vững chắc trong thị trường smartphone tầm trung với những điện thoại có giá từ 200 - 500 USD. “Chiến lược kênh offline của họ đã phát huy tác dụng”, cô nói.
Nỗ lực được đền đáp
Năm 2016, Oppo và Vivo xuất xưởng hơn 147 triệu smartphone tại Trung Quốc, xếp trên Huawei (76,6 triệu), Apple (44,9 triệu) và Xiaomi (41,5 triệu), theo số liệu của IDC. Trong quý IV/2016, Oppo và Vivo lần lượt đứng thứ 1 và 3, Huawei xếp thứ 2. Họ đặc biệt thành công tại các thành phố có thu nhập thấp hơn, khi các điện thoại tầm trung trở nên phổ biến.
Hai hãng smartphone của Duan Yongping cũng trên đà phát triển thành các hãng smartphone hàng đầu thế giới. Quý cuối năm ngoái, Oppo và Vivo đứng hạng 4 và 5 trên thế giới. Khoảng 1/4 thiết bị Oppo xuất sang các nước như Ấn Độ, nơi họ hy vọng có thể tiến sâu trước khi Apple chiếm lĩnh thị trường.
Dù vậy, Duan Yongping, vốn từng là một nhà đầu tư lớn của Apple, vẫn ngưỡng mộ gã khổng lồ công nghệ của Mỹ. Ông phát biểu: “Apple là một công ty xuất chúng. Đây là mô hình chúng tôi nên học hỏi. Chúng tôi không có ý định vượt qua bất cứ ai. Trọng tâm của chúng tôi chỉ là hoàn thiện chính mình”.
Tỷ phú Duan cũng có niềm đam mê đặc biệt với đầu tư chứng khoán. Năm 2006, ông từng bỏ ra tới 620.100 USD để được ăn trưa cùng nhà đầu tư đại tài Warren Buffett.