Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng tại WB đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng của các quốc gia trong việc giải quyết các mối đe dọa kép của biến thể omicron và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi các quy định cứng rắn hơn để kiểm soát Covid-19 được đưa ra.
Các nhà phân tích đã dự đoán một năm phục hồi mạnh mẽ khác của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế đã tối đi đáng kể trong những tuần gần đây khi các biện pháp phong toả mới được áp dụng để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron và mối đe dọa gây ra lạm phát vốn đã tăng cao.
Bà Reinhart cho biết rằng, biến thể này là một "bước lùi" cho sự phục hồi toàn cầu vì "điều này càng kéo dài càng hạn chế sức mạnh của viện trợ kinh tế”.
“Có rất nhiều rủi ro mặt trái. Tôi nghĩ đối với châu Âu, chúng đã hiển hiện nhiều hơn, nhưng chúng ở đó cho tất cả mọi người… Sự kết hợp giữa biến thể Omicron và lạm phát gia tăng và nhiều bất ổn về lạm phát cũng là mối quan tâm toàn cầu và điều quan trọng là chúng ta phải có niềm tin về sự phục hồi. Nói cách khác, chúng tôi còn có nhiều thất vọng hơn nữa”, bà cho biết.
Các quốc gia đang áp đặt các hạn chế mới trong bối cảnh lo ngại sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron ngay cả khi biến thể này ít nghiêm trọng hơn.
Suy thoái kép xảy ra khi tăng trưởng GDP giảm trong hai quý liên tiếp. Trước khi biến thể Omicron xuất hiện, nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi nhanh chóng từ đợt suy thoái ban đầu do Covid-19 với việc Anh và châu Âu trước đó đã thiết lập để quay trở lại mức GDP tiền Covid-19 vào đầu năm 2022.
Bà Reinhart cũng cảnh báo rằng, những lo lắng về các công ty mắc nợ nhiều và tác động của thị trường chứng khoán có nguy cơ làm gián đoạn quyết định các ngân hàng trung ương trong nỗ lực chống lại lạm phát gia tăng, một áp lực khác gây ra cho các nền kinh tế.
Các ngân hàng trung ương đang lo ngại rằng biến thể mới này cũng có thể làm tăng áp lực lạm phát vốn đã đè nặng lên các hộ gia đình khi chuỗi cung ứng gặp nhiều gián đoạn hơn. Sau khi gánh một khoản nợ khổng lồ trong giai đoạn kích cầu, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát có thể làm tăng áp lực lên các công ty có mức vay nợ lớn.
Bà Reinhart cho biết, tình trạng nợ nần của doanh nghiệp có thể gây khó khăn trong việc ra quyết định của các ngân hàng trung ương trong khi lạm phát sẽ “dai dẳng hơn”.
“Các ngân hàng trung ương cũng lo sợ về khả năng tài chính của các doanh nghiệp. Thị trường tồn tại rất nhiều những doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính rất cao và đã gánh nhiều khoản nợ có rủi ro cao. Do đó, thị trường có nhiều khoản nợ chưa thanh toán và là những khoản nợ rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất”, bà cho biết.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu rút lại các biện pháp kích thích thời Covid để kiềm chế áp lực giá cả gia tăng. Đầu tháng này, BoE đã tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,25% trong khi các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ bỏ phiếu cho sáu đợt tăng lãi suất trong hai năm tới.
Về việc chống lại những tác động kinh tế của biến thể Omicron, nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn đã không có nhiều cách để kích thích kinh tế trong khi đang phải đối mặt với những căng thẳng lớn hơn nếu các nền kinh tế bị ảnh hưởng. Một số quốc gia đang “bước vào giai đoạn mà việc thực hiện kích thích tài khóa sẽ khó khăn hơn nhiều”, bà Reinhart cho biết.