Ông Malpass cho biết, số người nghèo cùng cực đã tăng hơn 100 triệu người kể từ đầu đại dịch ngay cả khi chi tiêu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại.
Các nền kinh tế tiên tiến đã phục hồi trong khi các nước nghèo nhất chỉ chứng kiến sự phục hồi yếu ớt hoặc không có gì cả. Điều này đã gây ra sự đảo ngược về thu nhập trung bình, quyền phụ nữ và dinh dưỡng, lạm phát, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá năng lượng cao đang làm trầm trọng thêm các xu hướng này.
“Một phần của vấn đề bất bình đẳng là bản thân nền tài chính toàn cầu và cấu trúc bất bình đẳng của các biện pháp kích thích”, ông Malpass nói, đồng thời lưu ý rằng, các chính sách tiền tệ, tài chính và nợ công đang làm tăng thêm bất bình đẳng.
Ông Malpass cho biết, chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến từ lâu đã tập trung vào tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hạn chế tăng trưởng tiền gửi dự trữ của ngân hàng để đạt được sự ổn định về tiền tệ và giá cả, đây cũng là một cách tiếp cận vẫn được Trung Quốc sử dụng.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn khác đã sử dụng một lượng rất lớn dự trữ ngân hàng dư thừa để mua và nắm giữ trái phiếu dài hạn và các tài sản khác, điều này đã giúp thúc đẩy xu hướng tăng của một số loại tài sản.
Theo ông, cách tiếp cận đó đã loại trừ các doanh nghiệp nhỏ và các nước đang phát triển, đồng thời hạn chế chính sách thông qua quy định về thanh khoản và tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng.
Ông Malpass lặp lại lời kêu gọi của mình về sự minh bạch hơn trong các hợp đồng nợ và đóng băng thanh toán nợ đối với các quốc gia có nợ không bền vững. Ông nói rằng, các chủ nợ nên tránh xa các thỏa thuận thế chấp và hợp đồng giao kèo do người thứ ba nắm giữ.
"Là một trong những chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển, rất cần sự tham gia tích cực và tiếng nói mạnh mẽ của Trung Quốc trong các nỗ lực giảm nợ và sẽ mang lại lợi ích cho tất cả những người tham gia bằng cách khuyến khích đầu tư và nợ bền vững", ông nói.