Vay vốn nước ngoài để thực hiện dự án nhà ở: Thận trọng!

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 diễn ra tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, trong giai đoạn 2005 - 2015, chỉ có 1.100 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, nhưng chỉ sau hơn 1 năm áp dụng Luật Nhà ở 2014, đã có trên 600 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án bất động sản có thể sử dụng đa dạng nguồn vốn. ảnh: Dũng Minh Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án bất động sản có thể sử dụng đa dạng nguồn vốn. ảnh: Dũng Minh

Tại VBF năm nay, ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và thương mại đã nêu lên 9 vấn đề các nhà đầu tư đang phải đối mặt, trong đó nhấn mạnh tới một số vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản.

Cụ thể, quy định tại Điều 69 Luật Nhà ở 2014 đưa ra danh sách các nguồn huy động vốn cho dự án nhà ở thương mại gồm vốn chủ sở hữu; vốn huy động qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết; tiền mua, thuê mua, thuê trả trước và vốn từ các tổ chức tín dụng đang hoạt động trong nước. Như vậy, quy định này đã loại trừ “các nguồn vốn khác” được quy định ở luật cũ, tức là không được phép vay vốn nước ngoài đối với các dự án nhà ở, trong đó bao gồm cả vốn huy động từ các tổ chức tín dụng nước ngoài.

“Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường nhà ở. Hệ quả gián tiếp là ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, hạn chế nguồn cung nhà mới, đẩy giá nhà ở lên cao”, ông Fred Burke nói và cho biết, việc cho phép các dự án huy động vốn nước ngoài có thể có những rủi ro về quản lý ngoại hối và nợ nước ngoài, nhưng nên đưa ra các điều kiện và giới hạn hợp lý với việc vay vốn nước ngoài, mà không cần phải cấm hoàn toàn. Như vậy sẽ tốt hơn cho nền kinh tế.

Nhóm công tác cũng đề cập một số kiến nghị khác liên quan đến nội dung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chẳng hạn nên cho người nước ngoài được mua nhiều loại bất động sản khác nữa thay vì chỉ được mua nhà ở.

Trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Bùi Phạm Khánh cho biết, quy định mới tại Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư thị trường bất động sản và hướng tới đảm bảo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư tham gia vào sự phát triển nhà ở đặc biệt là nhà thương mại.

“Vấn đề là chúng ta cần cơ chế để làm sao thị trường phát triển minh bạch và bình đẳng”, ông Khánh nói và cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Nghị định 99 đã quy định các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án bất động sản có thể sử dụng nhiều nguồn vốn.

Đối với kiến nghị của Nhóm Công tác Đầu tư và thương mại về vấn đề vốn, ông Khánh cho biết, hiện Việt Nam chưa khuyến khích việc vay vốn của các tổ chức tín dụng không có hoạt động ở Việt Nam, vì còn liên quan đến minh bạch vốn và chống rửa tiền. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất này.

Trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có một số quy định khác biệt trong kinh doanh bất động sản giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhìn chung, nhiều quy định mới đã thông thoáng, tiến bộ, mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động của người nước ngoài so với luật trước.

“Với quy định cũ, giai đoạn từ 2005 - 2015, chúng ta mới chỉ có 1.100 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, nhưng từ khi Luật nhà ở 2014 có hiệu lực, đã có hơn 600 người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam”, ông Khánh cho biết.

Về khiến nghị, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, nhà đầu tư nước ngoài được xây dựng nhà trên đất được Nhà nước giao, được bán, cho thuê, hoặc nhận tiền chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê đất trong các dự án bất động sản để kinh doanh, xây dựng nhà hoặc công trình bán và cho thuê mua, xây dựng nhà cho thuê lại. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất mà không gắn liền với nhà ở để kinh doanh bất động sản.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh thừa nhận: “Chỗ này cần nghiên cứu thêm để quy định cho phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Tương tự, đối với việc cho phép người nước ngoài mua nhiều loại bất động sản khác thay vì hạn chế chỉ được mua nhà ở, trước mắt, vẫn phải thực hiện theo quy định và sẽ xem xét, nghiên cứu thêm.

Ông Khánh nhấn mạnh, với trách nhiệm cơ quản quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng sẽ cân nhắc kỹ các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp và tiếp tục cho phù hợp điều kiện thực tế Việt Nam.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Bùi Trang
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục