Trình Quốc hội hai phương án chia sẻ rủi ro dự án PPP

Sau nhiều vòng nâng lên đặt xuống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu tại dự án Luật PPP
Tại phiên họp thứ 44 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 về dự án Luật PPP. Tại phiên họp thứ 44 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 về dự án Luật PPP.

Tại phiên họp tháng 4 vừa qua của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ quan điểm, khi nhà nước điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chính sách làm tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, làm giảm doanh thu dẫn đến thua lỗ thì nhà nước mới chia sẻ phần đó.

Theo Bộ trưởng, các điều kiện để chia sẻ đã rất chặt chẽ. Một là dự án phải do cơ quan nhà nước lập. Hai là dự án không có sự hỗ trợ của nhà nước trong quá trình xây dựng. Ba là phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh mức giá, mức phí, thời hạn thu, nếu không đáp ứng được thì mới tính đến phương án chia sẻ nói trên.

Liên quan đến cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44 nêu rõ: nhất trí với cơ chế chia sẻ với điều kiện xác định do lỗi của Nhà nước như thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật ảnh hưởng đến doanh thu dự án.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Phương án 1: khi tăng hoặc giảm doanh thu thì chia sẻ theo tỷ lệ 50%/50%. Phương án 2: khi doanh nghiệp bị thua lỗ (sau khi đến điểm hòa vốn của dự án) mà xuất phát từ nguyên nhân do Nhà nước thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật thì Nhà nước hỗ trợ bù lỗ không quá 50% số lỗ, khi doanh nghiệp phát sinh lãi lớn hơn phương án dự kiến thì Nhà nước được hưởng 50% số lãi tăng thêm.

Một vấn đề khác không chỉ có Thường vụ Quốc hội mà nhiều vị đại biểu khác cũng rất băn khoăn suốt quá trình hoàn thiện, đó là quy định tại khoản 2 điều 3 của dự thảo luật Chính phủ trình: "Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của luật này.”.

Uỷ ban Thường vụ kết luận, thống nhất với quan điểm vẫn quy định Điều 3 nhưng phải chỉ rõ nội dung đặc thù, đạo luật được áp dụng khi có xung đột pháp luật xảy ra. Đồng thời, thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đối với những nội dung cần có quy định đặc thù thì thể hiện cụ thể ở những điều khoản liên quan ngay trong Luật hoặc dẫn chiếu để sửa đổi các điều, khoản của các luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Bổ sung lĩnh vực thủy lợi

Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát theo hướng thu gọn các lĩnh vực, khẳng định nguyên tắc là chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng doanh nghiệp không làm hoặc không đủ khả năng để làm mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của Nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư.

Quyết định bổ sung lĩnh vực thủy lợi, Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần cân nhắc việc áp dụng PPP đối với lĩnh vực đầu tư nhà máy điện và việc quy định khoản 2 Điều 5 về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng dự án PPP ngoài các lĩnh vực quy định nêu trên.

Về quy mô đầu tư dự án PPP, kết luận từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là quy định theo hướng những công trình đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và lĩnh vực y tế, giáo dục thì tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng, còn lại các dự án khác không thấp hơn 200 tỷ đồng.

Theo chương trình dự kiến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20/5 tới đây,  Luật PPP sẽ được thảo luận trực tuyến vào sáng 29/5 và biểu quyết thông qua vào ngày 12/6/2020.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục