Lo rủi ro tài khóa khi chia sẻ rủi ro giảm doanh thu dự án PPP

Có đại biểu Quốc hội lo sẽ có những rủi ro về tài khóa khi Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu với nhà đầu tư dự án PPP. Điều đó có thực sự đáng lo?
Nhiều băn khoăn về việc, Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu dự án PPP sẽ dẫn đến rủi ro về tài khóa (Ảnh minh họa) Nhiều băn khoăn về việc, Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu dự án PPP sẽ dẫn đến rủi ro về tài khóa (Ảnh minh họa)

Lo là đúng

Chia sẻ về các nội dung của Điều 83 Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), ông Phạm Ngọc Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho biết, một trong những điều khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn nhất ở điều luật này, đó là việc Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu sẽ dẫn đến rủi ro về tài khóa. 

Theo ông Phạm Ngọc Lâm, thì các đại biểu Quốc hội băn khoăn rằng, quy hoạch, chính sách pháp luật ở Việt Nam thay đổi thường xuyên, trong khi đời dự án PPP thường kéo dài 20-30 năm, do đó khó xác định có bao nhiêu dự án phải chia sẻ rủi ro giảm doanh thu. 

“Với một số lượng dự án chưa được lượng hóa thì cũng khó xác định được số tiền phải bỏ ra để chia sẻ rủi ro giảm doanh thu. Hiện nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và địa phương rất hạn hẹp, chỉ 2-4% tổng chi ngân sách và chỉ dành chi cho một số mục đích cấp bách, xử lý thảm họa… Nếu dự phòng không đủ thì lấy nguồn nào để chia sẻ rủi ro”, ông Lâm đã chia sẻ như vậy về câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra.

Chia sẻ với nỗi lo của các đại biểu Quốc hội, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng: “Lo là đúng”. 

Theo ông Dũng, thì ở đây phải có sự cân đối, chia sẻ rủi ro cho tư nhân là để tạo sự yên tâm cho họ, nhưng cũng đồng thời không thể thiếu sự quản lý của Nhà nước. “Nếu chúng ta có cơ chế chia rẻ rủi ro, thì vai trò của Bộ Tài chính ở đây là rất quan trọng. Họ phải tham gia chặt chẽ trong các khâu, để kiểm soát rủi ro ở tầm vĩ mô cho cả quốc gia. Hiện vai trò của Bộ Tài chính còn mờ nhạt”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, chuyên gia PPP quốc tế của USAID Đoàn Giang thì thừa nhận, rủi ro tài khóa không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Cái khó là vừa bảo đảm hấp hẫn nhà đầu tư tư nhân nhưng cũng phải quản lý được rủi ro tài khóa.  

Ở một góc độ khác, chuyên gia Trần Duy Hưng, mặc dù đúng là “cẩn trọng là cần thiết”, nhưng nếu cẩn trọng quá thì cũng rất khó để triển khai PPP.

“Nhiều quốc gia đều có quan điểm rằng, khi Nhà nước bỏ nguồn ra hỗ trợ, chia sẻ rủi ro thì về ngắn hạn có thể ảnh hưởng tài khóa nhưng về dài hạn thì lợi ích kinh tế lớn”, ông Hưng nhấn mạnh. 

Một ví dụ được ông Hưng viện dẫn, đó là tại Bangladesh, khi đấu thầu một dự án cao tốc, ban đầu Nhà nước tuyên bố hỗ trợ 110 triệu USD và không cam kết bảo lãnh doanh thu tối thiểu, song sau khi cam kết hỗ trợ, thì khoản hỗ trợ Nhà nước cho dự án chỉ còn 27 triệu USD. Tức là, Nhà nước đã tiết kiệm được 83 triệu USD. 

“Điều này cho thấy, chúng ta phải tính toán đâu là bài toán hiệu quả hơn cho Nhà nước”, ông Hưng nói.

Nhưng vẫn có cách để “xử lý”

Để giải bài toán “rủi ro tài khóa”, theo ông Phạm Ngọc Lâm, cái đại biểu Quốc hội đã đề xuất hai phương án. Một là sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ; hai là, nếu năm trước xác định có dự án cần áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro giảm doanh thu, thì năm tiếp theo, các cơ quan quản lý cần lập dự toán cho việc này và sử dụng nguồn chi thường xuyên để chi trả cho nhà đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, cả hai phương án này, đòi hỏi phải sửa một số luật liên quan, như Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước…, khá phức tạp. Và do đó, Chính phủ dù đã thảo luận nhưng thống nhất không trình ra Quốc hội. 

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, cụ thể là ở Indonesia, các chuyên gia của USAID cho biết, họ đã thành lập quỹ bảo lãnh cho các dự án cơ sở hạ tầng trực thuộc Bộ Tài chính. Hiện quỹ này đã bảo lãnh doanh thu cho nhiều dự án, nhưng chưa bị lỗ cũng không gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến rủi ro tài khóa.

Thông tin cho biết, nhờ có công ty này mà Indonesia đã làm được các việc, như thương mại hóa bảo lãnh, tức là để được bảo lãnh thì các doanh nghiệp dự án PPP phải trả phí cho công ty trên cơ sở đàm phán trực tiếp giữa các bên, mức bảo lãnh này tùy từng dự án. 

Trong những năm đầu tiên, quỹ này cũng gặp nhiều khó khăn do không tìm được dự án để bảo lãnh vì chưa xây dựng được niềm tin trong cộng đồng các nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sau đó, với việc xây dựng một hệ thống quản trị rất tốt, minh bạch và độc lập, quỹ đã cung cấp bảo lãnh cho 21 dự án PPP với trị giá 14,7 tỷ USD. 

Ở một góc độ khác, ông Hưng cũng chia sẻ, nhiều nước đều dành ngân khoản cho các mục tiêu hỗ trợ cho các dự án PPP. Chẳng hạn, tại Anh là 2% trên tổng chi tiêu công, ở Peru là khoảng 7%... Có ngân khoản này, Chính phủ các nước có thể chủ động hơn trong việc bảo lãnh doanh thu, chia sẻ rủi ro đối với các dự án PPP.

Việt Nam cũng có thể thực hiện được việc này. Theo ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm chuyên gia của USAIDS, thì Luật có thể quy định ủy quyền cho Chính phủ thành lập công ty chuyên cung cấp bảo lãnh cho các dự án PPP và để Chính phủ quy định chi tiết, vì thực ra tất cả hoạt động, vận hành của công ty đều nằm ở Chính phủ, nhất là trong thời gian đầu. Quốc hội có thể định kỳ yêu cầu báo cáo Quốc hội về hoạt động của công ty này.

Hà Nguyễn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục