Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hướng chỉnh lý cơ chế chia sẻ rủi ro tại dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đang được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Lần đầu xây dựng, Luật PPP được cho là rất khó, rất phức tạp, và quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro là vấn đề rất phức tạp, rất khó.
Qua nhiều vòng thảo luận từ kỳ họp cuối năm 2019 của Quốc hội đến nay, nhiều ý kiến thống nhất phải có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, theo đúng bản chất đối tác giữa khu vực công và khu vực tư. Tuy nhiên, cần có quy định cơ chế này áp dụng đối với tất cả các dự án PPP và cần quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ, khi nào thì chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào và rủi ro nào Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu, chia sẻ rủi ro bằng doanh thu khi giảm doanh thu hay chỉ chia sẻ rủi ro khi thua lỗ, mất vốn.
Có ý kiến kiến nghị không áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro theo cơ chế điều chỉnh giá, thời hạn hợp đồng, không áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu bằng tiền vì cho rằng trong điều kiện năng lực dự báo, quản lý của các cơ quan nhà nước cũng như khả năng cân đối ngân sách nhà nước, áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro như dự thảo luật sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Nhà nước.
Chỉ chia sẻ khi lỗi từ phía Nhà nước
Tại dự thảo luật mới chỉnh lý đầu tháng 4 này, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.
Về căn cứ, điều kiện áp dụng các điều khoản cụ thể tại dự thảo mới đã xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại khoản 2 Điều 83 dự thảo luật: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Về việc áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, báo cáo giải trình nêu rõ: Dự án PPP được xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả về mặt tài chính căn cứ phương án tài chính của dự án, trong đó “thời điểm hoàn vốn cho dự án” là một yếu tố quan trọng. Với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án.
Theo đó, trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính. Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu theo từng thời kỳ quy định tại luật này.
Xác định rõ nguồn chi trả
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 70 (Sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP) để xác định rõ nguồn chi trả cho phần giảm doanh thu. Lần chỉnh sửa này cũng bổ sung khoản 4 Điều 75 (Lập kế hoạch vốn đầu tư công đối với dự án PPP), quy định chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được tổng hợp trong dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia hoặc dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương tùy thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của từng cấp.
Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước (cụ thể đây là nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn) để chi trả phần giảm doanh thu cho dự án PPP, điều 107 sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước để làm rõ việc chi trả phần giảm doanh thu cho dự án PPP là một nhiệm vụ chi của dự phòng ngân sách trung ương.
Theo dự thảo, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức vốn, việc sử dụng, thời điểm sử dụng nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn cấp mình quản lý khi quyết định chủ trương đầu tư dự án.