Không nên quy định cứng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP

Sẽ không quy định cứng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP, mà thay vào đó, tùy tính chất từng dự án, phương án tài chính của dự án, và đặc biệt là căn cứ vào khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ mà bố trí mức vốn phù hợp.
Không nên quy định cứng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ được đưa thảo luận tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kéo dài từ 23-25/3/2020.

Và một trong những nội dung được quan tâm là tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP sẽ được quy định như thế nào?

Thực tế, tại các phiên thảo luận trước về dự luật này, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, nên bổ sung quy định về mức trần của phần vốn nhà nước trong dự án PPP; đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định về lập kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án PPP theo hướng có một dòng ngân sách riêng cho mục tiêu này.

Tuy nhiên, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị giữ nguyên như Dự thảo Luật. Bởi thực tế trước đây, các khung pháp lý cũ, như Nghị định 108/2009/NĐ-CP hay Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg đều đưa ra mức trần tỷ lệ vốn nhà nước, tương ứng là 49% tổng mức đầu tư và 30% tổng mức đầu tư. 

Tuy nhiên, kết quả rà soát, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 108/2009/NĐ-CP cho thấy, các dự án BOT, BTO, BT trong lĩnh vực giao thông - vận tải hầu hết có kinh phí đầu tư lớn, do đó việc khống chế mức vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 49% tổng mức đầu tư sẽ khó kêu gọi đầu tư. 

Vì vậy, các văn bản pháp lý tiếp theo là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã gỡ bỏ mức trần này, mức vốn nhà nước được xác định theo tính chất của từng dự án, căn cứ phương án tài chính cụ thể của dự án được nghiên cứu và khả năng bố trí vốn đầu tư công theo từng thời kỳ. 

“Thực tế thời gian vừa qua, trong các dự án PPP giao thông trọng điểm, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án chủ yếu cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”, Chính phủ cho biết.

Liên quan đến nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến của Chính phủ và cho rằng, không nên quy định tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP, mà tùy theo tính chất của từng dự án, căn cứ phương án tài chính cụ thể của dự án được nghiên cứu và khả năng bố trí vốn đầu tư công theo từng thời kỳ sẽ bố trí mức vốn phù hợp. 

Trong khi đó, đối với đề xuất cần có một dòng ngân sách riêng cho việc lập kế hoạch vốn đầu tư công, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, điều này là “chưa phù hợp với Luật Đầu tư công”.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng khẳng định điều này. Theo Chính phủ thì việc có một dòng ngân sách riêng chưa thực sự phù hợp và khả thi theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành. Do đó, việc lập kế hoạch cho phần vốn này trong dự án PPP tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công (không xây dựng một dòng ngân sách riêng).

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục