Cổ tức tốt, thị giá giảm
Trên thị trường chứng khoán, một số cổ phiếu “họ Becamex” như TDC của Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển Bình Dương, BCE của Công ty cổ phần Xây dựng và giao thông Bình Dương, BCP của Công ty cổ phần Dược Becamex, hay UDJ của Công ty cổ phần Phát triển đô thị thời gian qua có mức tỷ suất cổ tức gấp 2 - 4 lần mức lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, TDC chi trả cổ tức tiền mặt từ 10% mệnh giá trở lên, trong khi thị giá hiện tại là 9.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt 15 - 30%/năm.
Hay tại BCP, với mức chi trả cổ tức từ 2.200 - 2.500 đồng/cổ phiếu trong năm 2017 - 2018, tỷ suất cổ tức trên thị giá hiện đạt trên 20%. Ðối với UDJ, cổ tức tiền mặt đạt từ 1.000 - 1.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất cổ tức/thị giá từ 15 - 20% năm.
Nhưng trái ngược với tỷ suất cổ tức hấp dẫn, trên thị trường chứng khoán, thị giá của nhiều cổ phiếu lại có diễn biến đi ngang. Những năm qua, giá cổ phiếu TDC hầu như chỉ được giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu, hiếm khi vượt qua mức 9.000 đồng/cổ phiếu, hay thị giá UDJ dao động quanh mức 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu.
Thậm chí, diễn biến giá tại không ít doanh nghiệp có mức cổ tức tiền mặt cao khác lại có xu hướng giảm. Chẳng hạn, cổ phiếu NCT của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/8 ở mức 72.900 đồng/cổ phiếu, giảm 30% so với đầu năm 2018, dù doanh nghiệp duy trì chính sách trả cổ tức cao trên thị giá.
Trong năm 2018, tổng mức cổ tức tiền mặt mà cổ đông NCT được nhận là 9.000 đồng/cổ phiếu; tháng 6/2019, Công ty trả cổ tức 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, thị giá cổ phiếu MAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Ðà Nẵng sau điều chỉnh các quyền giảm gần 60% trong 3 năm trở lại đây, trong khi Công ty vẫn trả cổ tức tiền mặt trên dưới 30% mệnh giá mỗi năm.
Trong 2 tháng qua, thị giá (sau điều chỉnh cổ tức) cổ phiếu TVT của Tổng công ty May Việt Thắng giảm gần 25%, đang giao dịch quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu, dù Công ty vừa chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên đến 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ðáng chú ý là trong việc chi trả cổ tức của MAS, NCT, TDC, BCE, TVT…, dòng tiền về đến tài khoản của cổ đông khá nhanh và không xảy ra tình trạng trì hoãn, nợ cổ như nhiều doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, cổ phiếu tại một số doanh nghiệp có tỷ lệ suất cổ tức thấp như Công ty cổ phần Ðầu tư Thế giới di động (MWG), hay nhiều năm chưa chia cổ tức như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lại tăng giá.
Phía sau những con số cổ tức khủng
Mua cổ phiếu của những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt tốt đã trở thành một chiến lược được nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lựa chọn và có xu hướng nắm giữ dài hạn.
Mức cổ tức tốt không chỉ dừng lại ở số tiền cổ tức mà doanh nghiệp chi trả cho mỗi cổ phiếu, mà được tính trên tỷ suất trên thị giá (thông thường cao hơn mức lãi suất tiền gửi ngân hàng), đồng thời doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn nhiều năm và có triển vọng kinh doanh tích cực để đảm bảo khả năng duy trì chính sách cổ tức này trong thời gian tiếp theo.
Ðây cũng là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức tốt, cổ đông có xu hướng nắm giữ cổ phiếu nên thanh khoản thấp, thậm chí không có giao dịch và thị giá sau nhiều lần điều chỉnh kỹ thuật còn thấp hơn cả cổ tức được chia hàng năm như PTG của Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết.
Với nhà đầu tư ngắn hạn, việc lướt sóng theo tin cổ tức cũng đã trở thành một xu hướng đầu tư, nhất là những doanh nghiệp chi trả đột biến, bởi khả năng cổ phiếu sẽ có “sóng” trong khoảng thời gian từ khi doanh nghiệp công bố mức cổ tức dự kiến đến ngày chốt chia.
Chẳng hạn, trong những phiên giao dịch đầu tháng 8/2019, giá cổ phiếu BHN của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tăng gần 4% ngay sau thông tin Hội đồng quản trị thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 75,57% (7.557 đồng/cổ phiếu), bất chấp VN-Index giảm sâu trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và những lo ngại về chiến tranh tiền tệ.
Theo quy định hiện nay, việc chi trả cổ tức của công ty cổ phần được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Công ty chỉ được trả cổ tức khi hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính, trích lập các quỹ, bù đắp đủ lỗ lũy kế và sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ khác đến hạn.
Như vậy, những doanh nghiệp có khả năng chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn là dấu hiệu cho thấy kết quả kinh doanh, nền tảng tài chính, dòng tiền tốt. Sẽ không có gì đáng ngại nếu ngoài một phần lợi nhuận được dành để chi trả cổ tức, doanh nghiệp giữ lại tỷ lệ phù hợp nhằm tái đầu tư và tạo nên tăng trưởng lợi nhuận, cổ tức trong tương lai.
Tuy nhiên, trong trường hợp kết quả kinh doanh có xu hướng bão hòa, việc duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn, nhất là khi tỷ lệ cổ tức chiếm phần lớn quỹ lợi nhuận làm ra sau khi trích lập các quỹ sẽ trở thành tín hiệu bất lợi, báo hiệu tiềm năng tăng trưởng trong tương lai gặp hạn chế, trong khi đây là yếu tố quyết định tính hấp dẫn dòng tiền và tạo nên sự tăng trưởng thị giá cổ phiếu.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, rủi ro hoạt động với một số doanh nghiệp còn bị đánh giá cao hơn khi chi trả cổ tức mạnh tay, bởi nguy cơ lợi nhuận có thể suy giảm, dẫn đến dòng cổ tức giảm.
Trường hợp của TVT, việc phải chi ra đến 210 tỷ đồng cho đợt chốt quyền nhận cổ tức tháng 6/2019, tương đương 80% số dư tiền, tiền gửi các loại của Công ty thời điểm 30/06/2019 được đánh giá có thể ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu tài chính trong nửa cuối năm và tạo áp lực lên lợi nhuận khi mà vay nợ tăng 11,7% trong nửa đầu năm và chiếm đến 40% nguồn vốn.
Hoạt động kinh doanh của TVT cũng đang cho thấy những khó khăn nhất định khi 6 tháng đầu năm, doanh thu giảm 15,2% và lợi nhuận sau thuế giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại một số doanh nghiệp, vì những lý do riêng phải duy trì chi trả cổ tức tiền mặt trong khi hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn, dòng tiền thiếu hụt dẫn đến vay nợ nhằm bù đắp, khiến bức tranh tài chính, kinh doanh xấu đi đáng kể sau mỗi lần chi trả cổ tức bằng tiền.
Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) mới đây công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 với doanh thu thuần 1.530 tỷ đồng, giảm 17,3%; lợi nhuận sau thuế 12,2 tỷ đồng, giảm 83,2% so với cùng kỳ năm 2018 và ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, năm 2018, doanh thu thuần của Công ty giảm 8%, lợi nhuận sau thuế giảm 19% so với năm 2017 và không hoàn thành kế hoạch.
Thị trường phân bón trong nước bão hòa, cạnh tranh với phân bón ngoại nhập khiến tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, LAS đã phải tăng chiết khấu cho các đại lý và giảm giá bán trực tiếp, nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn giảm, tồn kho tăng cao.
Công ty phải giãn nợ, lùi thời gian thanh toán cho khách hàng khiến các khoản phải thu tăng và tăng vay nợ ngân hàng để bổ sung nguồn vốn lưu động.
Tính đến cuối quý II/2019, vay nợ ngắn và dài hạn đạt 1.196 tỷ đồng, chiếm 38,3% nguồn vốn và tăng 18,2% so với đầu năm. Kết quả, chi phí tài chính tăng cao, lãi vay trong nửa đầu năm tăng 77,6% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, việc LAS duy trì chi trả cổ tức tiền mặt 11% mệnh giá (tương đương 124,4 tỷ đồng) trong năm 2017, 14% mệnh giá (tương đương 158 tỷ đồng) trong năm 2018 và chốt chi trả 3% (tương đương 33,8 tỷ đồng) trong nửa đầu năm 2019 được đánh giá sẽ khiến tình hình tài chính của Công ty khó khăn hơn. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu LAS từ đầu năm đến nay giảm gần 20%.
Rõ ràng, cổ tức tiền mặt đều đặn, nhất là mức chi trả cao là thông tin hấp dẫn nhà đầu tư, nhưng cổ tức cao không đồng nghĩa với tín hiệu tốt cho doanh nghiệp và thị giá cổ phiếu.
Thiếu nền tảng tài chính, dòng tiền tốt gắn liền với triển vọng kinh doanh tăng trưởng, trong khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh của thị trường, áp lực duy trì chính sách cổ tức có thể khiến doanh nghiệp lợi bất cập hại.