Đi tìm “ngôi vương” ROE

(ĐTCK) Trên 20 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 40% trở lên biểu hiện cho khả năng sinh lời vượt trội trong cộng đồng DN. Tuy nhiên, DN có ROE cao chưa hẳn đã là địa chỉ đầu tư hấp dẫn.
Đi tìm “ngôi vương” ROE

Thống kê đến hết quý II/2019, danh sách các DN có ROE cao nhất thị trường ghi nhận “ngôi vương” thuộc về CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA), với ROE 4 quý gần nhất lên đến 165%, cao hơn rất nhiều so với vị trí thứ 2 - tên tuổi thường xuyên nằm trong Top có EPS, ROE cao đều đặn là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC).

ROE là chỉ tiêu thể hiện hiệu quả sử dụng đồng vốn mà cổ đông đã góp vào DN. ROE cao cho thấy DN sử dụng đồng vốn hiệu quả và ngược lại. Các số liệu lịch sử đã chứng minh, những DN có ROE cao, ổn định và có xu hướng tăng đều sở hữu lợi thế cạnh tranh bền vững. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các DN có đặc điểm này cũng tăng trưởng mạnh và bền vững hơn qua các năm, hoặc cổ phiếu sẽ nằm trong danh mục có cơ hội đầu tư nhờ đang bị định giá thấp.

Việc sử dụng chỉ số ROE trong chiến lược đầu tư chỉ áp dụng với những DN có hoạt động kinh doanh ổn định, tiềm năng tăng trưởng tích cực qua các năm. Với trường hợp có lợi nhuận đột biến, thất thường, con số này không nói lên được nhiều điều.

Chẳng hạn, với VNA, DN này hoạt động kém hiệu quả khi thua lỗ liên tục trong 2 năm 2012 và 2013, báo lãi 1,6 tỷ đồng năm 2014 và sau đó thua lỗ 3 năm liên tiếp từ 2015-2017. Năm 2018, VNA báo lãi đột biến hơn 33 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lợi nhuận khác, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 32,7 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2019, VNA tiếp tục báo lãi 26,6 tỷ đồng nhờ thanh lý tài sản, nhưng nếu không có khoản lợi nhuận bất thường này, VNA lại lỗ 8,7 tỷ đồng trong quý II/2019. Dù vậy, kết quả trên cũng khiến VNA có được mức ROE cao ngất ngưởng trên thị trường, trong khi các năm trước, ROE âm. Hiện tại, thị giá cổ phiếu VNA đang ở mức “trà đá” 3.000 đồng/cổ phiếu.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các DN như CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC), CTCP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh (QNC), CTCP Sách và thiết bị trường học Ðà Nẵng (BED)... khi nhiều năm hoạt động với mức lãi lèo tèo, thậm chí có năm thua lỗ, nhưng nhờ thanh lý tài sản/thanh lý khoản đầu tư tài chính mà báo lãi đột biến.

Trái lại, có những DN đã có lịch sử về ROE cao như NTC, khi ít nhất từ năm 2015 trở lại đây, ROE của DN này tăng từ mức gần 27% lên 40-50% và đột biến trong năm 2018 với 97%. NTC thể hiện được lợi thế cạnh tranh khi biên lợi nhuận cốt lõi được cải thiện tích cực qua các năm, đồng thời ghi nhận lợi nhuận tài chính và cổ tức từ các công ty liên kết.

Tuy nhiên, hiện tại, đã xuất hiện những cảnh báo trên thị trường về diễn biến tăng giá mạnh của cổ phiếu NTC, nhất là khi những thông tin kết quả kinh doanh tích cực (thường rơi quý IV và quý I hàng năm) được công bố, cộng theo đó là mức cổ tức "khủng". Thị giá NTC đã leo lên mức 197.000 đồng/cổ phần, tăng hơn 30% chỉ trong 1 tháng qua, PE khoảng 6,59 lần.

CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) là DN đầu ngành dịch vụ hàng không. ROE của NCT được duy trì ở mức rất cao, lần lượt đạt 70%, 61,87%, 63,2% và 55% trong giai đoạn 2015-2018. Mặc dù được đánh giá là ngành có rào cản gia nhập lớn, nhưng thực tế, NCT vẫn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá phí dịch vụ và biên lợi nhuận của NCT.

Trên thực tế, biên lợi nhuận gộp của NCT đã giảm từ 55% năm 2017 xuống 50% năm 2018; biên lợi nhuận ròng giảm từ 38% năm 2017 xuống 35% năm 2018. Nguyên nhân là do sự suy giảm của hàng quốc tế, vốn có phí dịch vụ cao hơn đáng kể so với hàng nội địa, đặc biệt là mặt hàng linh kiện điện tử. Phí dịch vụ trung bình của NCT tiếp tục xu hướng đi xuống khoảng 9% trong năm 2018.

Một tên tuổi thường xuyên được nhắc đến bởi EPS, ROE cao nhất trên thị trường là CTCP Công viên nước Ðầm Sen (DSN). EPS 4 quý gần nhất (đến quý II/2019) của DSN đạt hơn 8.200 đồng/cổ phần, ROE 45,54%. Các năm trước, ROE của DSN cũng thường xuyên ở mức 38-40%, EPS dao động quanh mức 7.000-8.000 đồng.

Doanh thu thuần của DSN tăng trưởng qua các năm, biên lợi nhuận gộp ở mức rất cao, khoảng 64%. Ðặc thù của ngành dịch vụ vui chơi, giải trí là đầu tư ban đầu lớn, nhưng qua các năm, chủ yếu chỉ mất các chi phí duy tu, bảo trì, bảo dưỡng không đáng kể so với đầu tư ban đầu. Trong khi đó, nhu cầu vui chơi, giải trí tại thành phố lớn như TP.HCM luôn tăng. Ðiều này đã giúp DSN duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, DSN đạt 138 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 8%. DSN lãi ròng hơn 62 tỷ đồng trong kỳ, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ðiểm đáng chú ý trong báo cáo quý II/2019 của DSN là khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 25 tỷ đồng đối với khoản đầu tư cổ phiếu của VietABank. DSN đã chi gần 32 tỷ đồng đầu tư, nhưng hiện giá trị hợp lý của số cổ phiếu này chỉ ở mức 7 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác cũng có mức ROE 4 quý gần nhất trên 40% là VHC, ANV, ACL, CMX…, trong đó dễ nhận thấy sự xuất hiện của nhiều DN thủy sán. Ðối với VHC, các năm trước, ROE chỉ ở mức 16-25%, nhưng năm 2018 vọt lên 41,5% (nhờ ghi nhận từ việc thoái vốn từ Vạn Ðức Tiền Giang). Tương tự, ANV đã có sự cải thiện ROE kể từ năm 2017 với mức 10,53% và năm 2018 là 37%.

Tại lĩnh vực thủy sản, nhiều DN được mùa trong giai đoạn 2017-2018 khi giá thủy sản tăng cao, nhu cầu tại các thị trường chính có sự sụt giảm đan xen, nhưng tổng chung vẫn có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Dù vậy, theo các nhà phân tích, đặc thù ngành có nhiều rủi ro từ thiên nhiên, con giống, nguyên liệu…, các DN lại đa phần là quy mô vừa và nhỏ nên dễ bị tác động từ thị trường chung. Do đó, những DN có thể xây dựng vùng nuôi lớn, khép kín…, từ đó gia tăng được lợi thế cạnh tranh sẽ phát triển bền vững hơn.

Đi tìm “ngôi vương” ROE  ảnh 1

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục