“Thấp thỏm” chờ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn

0:00 / 0:00
0:00
Khoảng 305.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn, nhà đầu tư sẽ rút được bao nhiêu trong số tiền này là một ẩn số.

“Nhà đầu tư đang chờ xem có lấy được cả vốn lẫn lãi như mời chào của nhân viên môi giới hay bị xù nợ”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) chia sẻ.

Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phát đi cảnh báo về rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư vẫn “bỏ ngoài tai”. Ông có bình luận gì?

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh.

Không chỉ cảnh báo rủi ro, mà từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã thành lập trên 30 đoàn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Bộ đã ban hành hàng chục quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những đơn vị vi phạm, thậm chí đã hủy bỏ khoảng 10 đợt phát hành của nhiều doanh nghiệp với tổng trị giá phát hành lên đến hơn chục ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ không hề giảm, mà vẫn tiếp tục gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã phát hành lũy kế tổng lượng trái phiếu trị giá 257.857 tỷ đồng. Hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ có trầm xuống trong tháng 4, nhưng nhộn nhịp trở lại vào tháng 5 và tháng 6.

Theo ông, vì đâu nhà đầu tư vẫn phớt lờ cảnh báo?

Khác với phát hành ra công chúng được quy định rất nghiêm ngặt, thì phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện khá thoáng. Nhà đầu tư cá nhân do không có kinh nghiệm, ít hiểu biết về thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, cứ nghĩ rằng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hưởng lãi cao, nhưng rất an toàn vì được công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra làm trung gian (cung cấp dịch vụ phát hành, giao dịch).

Mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư phải nhớ mình là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đánh giá được đầy đủ rủi ro, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý, việc tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu, nên nhà đầu tư có thể phải chịu nhiều rủi ro, tổn thất, có thể mất toàn bộ tiền đầu tư.

Thực tế, bất cứ người dân nào đến ngân hàng cũng được nhân viên ngân hàng chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp với bảo đảm rằng, ngân hàng đứng đằng sau trong trường hợp doanh nghiệp gặp rủi ro?

Do bị ép doanh số, nên nhân viên ngân hàng biết việc chào mời đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là vi phạm pháp luật nhưng vẫn chào mời. Tôi xin nhấn mạnh, đây chỉ là mời chào của nhân viên ngân hàng, còn nhà băng không đứng ra cam kết bảo lãnh thanh toán. Nếu doanh nghiệp không trả được gốc và lãi, thì nhà đầu tư bị mất trắng số tiền đầu tư, không thể kiện ai được, vì không có văn bản nào của ngân hàng cam kết thanh toán đúng hạn, đầy đủ tiền vốn và lãi cho nhà đầu tư.

Trên thế giới, cũng chỉ có khoảng 0,1% các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán. Vậy nên, nhà đầu tư đừng hy vọng nếu rủi ro, sẽ được ngân hàng đứng ra thanh toán; đừng nghe nhân viên môi giới chào mời, hứa hẹn.

Ngoài phí môi giới, phí quản lý tài khoản, còn động lực nào nữa mà ngân hàng lại sốt sắng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu?

Tôi nghĩ phí môi giới, phí quản lý tài khoản không phải là động lực chính khiến nhiều nhà băng nhảy vào làm trung gian cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp. Động lực chính là doanh nghiệp đang vay ngân hàng, sắp đáo hạn, nhưng cạn nguồn lực, buộc phải đáo nợ bằng cách phát hành trái phiếu lấy tiền trả cho ngân hàng.

Ngân hàng đứng ra làm trung gian phát hành vừa thu được tiền phí phát hành, phí quản lý tài khoản và quan trọng nhất là thu được nợ. Vì vậy, họ mới giao doanh số cho nhân viên và nhân viên vì sức ép doanh số, nên đã nói dối nhà đầu tư rằng, đầu tư vào trái phiếu nếu rủi ro, đã có ngân hàng đứng ra “lo”.

Hầu như nhà đầu tư không biết mua trái phiếu của doanh nghiệp nào, chỉ biết được hưởng lãi cao hơn gửi tiết kiệm và rất yên tâm vì họ giao dịch, làm việc với nhân viên ngân hàng, chứ không phải là doanh nghiệp phát hành. Cần phải xử lý nghiêm hành vi này.

Như vậy là nhà băng “nhất cử lưỡng tiện”?

Nhà băng đúng là “nhất cử lưỡng tiện” vì vừa thu được phí, vừa thu được nợ. Còn doanh nghiệp có khi không thu được đồng nào từ phát hành trái phiếu, chỉ chuyển nợ từ nhà băng sang nhà đầu tư. Trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, thì chỉ có nhà đầu tư thiệt, còn ngân hàng thì “phủi tay” vì họ không có cam kết bằng văn bản, giấy tờ về việc thanh toán với nhà đầu tư.

Khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý, doanh nghiệp huy động trái phiếu khối lượng lớn, lãi suất cao hầu như đều vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp, nên rất rủi ro. Khi sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết, nên khả năng nhà đầu tư mất “cả chì lẫn chài” rất cao.

Đã có hàng triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động qua hàng trăm đợt phát hành, nhưng chưa có vụ nào “đổ bể”, nhà đầu tư bị “xù tiền”. Có lẽ ông quá lo xa?

Thực tế, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ mới rộ lên 3-4 năm nay, rất nhiều đợt phát hành chưa đến kỳ hạn thanh toán tiền gốc. Hơn nữa, những năm đầu hoạt động, phát hành trái phiếu riêng lẻ còn nghiêm túc, nên chưa xảy ra vỡ nợ.

Nhưng trong giai đoạn 2022-2024, có khoảng 305.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn. Trước mắt, ngay trong quý III/2022, có 65.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp các loại đáo hạn, tăng 244% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu đáo hạn của ngành bất động sản chiếm 52%, tài chính 37%, các ngành khác là 11%. Nhà đầu tư vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi từ nay đến cuối năm xem có doanh nghiệp nào “xù nợ” không.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục