Không dễ tác động lên chỉ số
Từ 16/6 tới đây, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 sẽ được áp dụng cách tính giá thanh toán đáo hạn mới. Theo đó, thay đổi đáng chú ý trong phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng (FSP) của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 sẽ từ ''giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng'' thành ''giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.
Một nội dung chú ý khác là loại trừ giá giao dịch thỏa thuận khi tính toán mức ký quỹ yêu cầu và tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trong phiên giao dịch cũng như khi tính giá thanh toán hàng ngày theo phương pháp bình quân gia quyền (trong trường hợp không có giá đóng cửa).
Trước các thông tin này, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, các thành viên thị trường đều có những đánh giá khá tích cực về các tính giá mới.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng đây là những thay đổi tích cực của cơ quan quản lý trong việc ổn định và tránh lợi dụng biến động giá của VN30 tại thời điểm đóng cửa.
Ông Khoa phân tích thêm rằng, về phương pháp bình quân giá cũng có điểm lưu ý là nhà đầu tư tham gia phái sinh nắm giữ đáo hạn rất khó kiểm soát được trạng thái đầu tư kéo theo hạn chế đầu cơ theo một chiều. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng đến nhà đầu tư theo xu hướng hoặc tham gia phái sinh để phòng hộ danh mục khi giá đáo hạn phái sinh không về đúng giá cơ sở.
Về điểm loại trừ giá giao dịch thỏa thuận khi tính toán mức ký quỹ yêu cầu và tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trong phiên giao dịch cũng như khi tính giá thanh toán hàng ngày theo phương pháp bình quân gia quyền, theo ông Khoa, đây là điểm tích cực hạn chế tình trạng các lệnh trong ATC có thể rơi vào trạng không đóng được vị thế trong phiên và phải chuyển trạng thái sang phiên hôm sau.
Còn theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, thời gian qua, các nhà tạo lập thường chọn ngày đáo hạn để dồn tiền giao dịch mạnh các cổ phiếu trong rổ VN30, nhất là các cổ phiếu lớn. Từ đó tác động đến chỉ số VN30, đến thị trường phái sinh. Đặc biệt, những lệnh không khớp trong phiên đáo hạn phái sinh thì sẽ lấy theo giá của VN30 thành thử làm méo mó thị trường, nhất là với phiên ATC. Do đó, những thay đổi nói trên có thể coi như giải pháp kỹ thuật để hạn chế các nhà tạo lập trong ngày đáo hạn tác động vào chỉ số.
Lý giải về điều này, ông Kiên cho rằng, cả 2 thay đổi nói trên sẽ khiến cho các nhà tạo lập phần nào “chùn chân”, vì để tác động lên chỉ số sẽ mất nhiều chi phí, những rủi ro cũng cao hơn.
“Với động thái này của cơ quan quản lý, có thể phiên đáo hạn phái sinh sẽ diễn ra êm đềm hơn, nhà đầu tư sẽ bớt hoảng hốt hơn so với trước kia”, ông Kiên nói.
Vai trò ETFs
Nhà tạo lập sẽ không dễ tác động lên chỉ số với cách tính giá thanh toán đáo hạn mới. Ảnh: Shutterstock. |
Một vấn đề khác được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, đó là bóng dáng nhà tạo lập trên thị trường. Theo ông Khoa, ở thị trường có cấu trúc phức tạp như thị trường phái sinh, vai trò của nhà tạo lập là rất quan trọng, đảm bảo tính thanh khoản cũng như hạn chế độ rộng của khoảng trống giá giữa hợp đồng tương lai và VN30 thông qua cơ chế chênh lệch giá.
Với chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư có thể tham khảo kinh nghiệm được các nhà đầu tư kỳ cựu chia sẻ như: Tham gia những khoản đầu tư nhỏ làm quen với nhịp biến động nhanh của thị trường trước khi tham gia vị thế lớn; Có chiến lược đầu tư rõ ràng về trạng thái “long” hay “short” thuận theo xu hướng chính của thị trường cơ sở nhằm tránh trạng thái giao dịch quá nhiều mất phương hướng; Nhà đầu tư nếu tham gia phòng ngừa danh mục đầu tư cần nên tính toán tỷ trọng hợp lý với danh mục đang nắm giữ và do tính chất đòn bẩy cao, nhà đầu tư cần xây dựng phương pháp quản trị rủi ro phù hợp. Trong thực tế nhà đầu tư có thể mất tiền dù đoán đúng xu hướng do biến động nhiễu loạn ngắn hạn. Do vậy cũng cần bám sát trạng thái lệnh và cần có sẵn một lượng tiền dự phòng để bổ sung khi cần thiết. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần làm quen và sử dụng các lệnh “stoploss” nhằm bảo vệ vị thế lãi cũng như hạn chế vị thế lỗ trong giao dịch.
Biến động của thị trường phái sinh là bội số của biến động trên thị trường cơ sở do vậy giám sát biến động của thị trường cơ sở sẽ là yếu tố then chốt tránh việc thao túng các thị trường. Nếu một nhà tạo lập vừa nắm được thông tin giao dịch của các ETFs (các quỹ thường giao dịch tập trung và có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số trong thời điểm ngắn) đồng thời thực hiện giao dịch trên thị trường phái sinh sẽ có lợi thế đáng kể so với các nhà đầu tư khác. Các giao dịch cùng chiều với ETFs trên thị trường cơ sở sẽ làm méo mó hơn diễn biến thị trường và qua đó có thể hưởng lợi bội số dựa trên biến động trên thị trường phái sinh.
Ông Khoa cho biết, trong quá khứ, các ETFs cơ cấu danh mục theo kỳ có ảnh hưởng đáng kể đến biến động của thị trường cơ sở. Dù vậy khi thanh khoản tăng lên và nhà đầu tư nắm được thời điểm giao dịch thì mức ảnh hưởng này không còn lớn. Tuy nhiên, hoạt động tăng hoặc giảm quy mô của các ETFs giữa kỳ với quy mô lớn thì vẫn đang có ảnh hưởng nhất định lên thị trường. Rất khó để quy định các ETFs phải phân bổ đều, tránh tập trung vào trong phiên ATC và vì vậy đây vẫn là vấn đề khó khăn trong ổn định biến động giá trên thị trường cơ sở và vẫn là đất cho hoạt động đầu cơ chứng khoán phái sinh.
“Chứng khoán phái sinh là sản phẩm có tính rủi ro do đặc tính đòn bẩy tài chính cao và biến động giá lớn. Tỷ lệ nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán phái sinh rất thấp so với thị trường chứng khoán cơ sở. Nếu như những thời điểm mua bán không phù của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở phần lớn có thể được thời gian sửa sai nếu trước đó nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu phù hợp và không lạm dụng đòn bẩy tài chính thì cơ hội sửa sai trên thị trường phái sinh gần như không thể do sản phẩm có thời gian đầu tư giới hạn. Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc cẩn thận trước khi tham gia, đồng thời phải trang bị kiến thức đầy đủ, hiểu được rủi ro qua đó hình thành phương thức đầu tư và quản trị rủi ro phù hợp trước khi giao dịch”, ông Khoa cho biết.
Còn theo ông Kiên, chứng khoán phái sinh ra đời với 2 sứ mệnh là giải pháp phòng vệ cho các nhà đầu tư ở thị trường cơ sở và tạo thêm hàng hoá cho thị trường đầu cơ ngắn hạn. Do đó, sẽ rất khó để hạn chế hoạt động đầu cơ trên thị trường, và nếu có làm thì cũng sẽ ảnh hưởng đến một phần sứ mệnh của sản phẩm này.
Riêng với câu chuyện của các nhà tạo lập, quỹ ETFs, ông Kiên cho rằng, thị trường nào cũng cần có những nhà tạo lập với vai trò tạo thanh khoản, sự sôi động. Riêng việc khống chế hay định hướng để ETFs phân bổ đều, tránh tập trung trong phiên ATC sẽ không thể thực hiện được. Bởi số lượng, khối lượng giao dịch là theo nhu cầu của ETFs, miễn là đúng tỷ lệ với công bố thông tin của nhà đầu tư lớn (nếu là trường hợp phải công bố thông tin). Trường hợp không phải công bố thông tin thì ETFs bán giờ nào là quyền lợi của họ, không thể bắt bán theo giờ nhất định hay tỷ trọng nào đó.
“Suy cho cùng, ETFs cũng có quyền, lợi ích như một nhà đầu tư bình thường, dù họ là nhà đầu tư lớn và các giao dịch sẽ có tác động lên thị trường nhưng đây là điều khó tránh khỏi. Và tác động này không hẳn là tác động tiêu cực khi góp phần tạo nên thanh khoản. Việc ETFs chọn giờ giao dịch cũng là quyền lợi của họ khi tham gia thị trường. Việt Nam đang trải thảm đỏ cho dòng tiền các nhà đầu tư nước ngoài, hướng đến nâng hạng thị trường nên nếu đưa ra các ép buộc cứng nhắc sẽ dễ bị nhà đầu tư nước ngoài phản đối, thậm chí có những phản hồi tiêu cực và ảnh hưởng đến tiến trình nâng hạng”, ông Kiên nhấn mạnh.