Thận trọng các hình thức gian lận bảo hiểm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mở rộng các hình thức phân phối, đẩy mạnh khuyến mại đồng nghĩa với việc ngành bảo hiểm phải đối mặt với các hình thức gian lận, trục lợi mới không chỉ từ khách hàng, mà còn cả từ đơn vị phân phối, hay đại lý của mình tắc trách mà mắc lỗi. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã chia sẻ về những hành vi gian lận bảo hiểm phổ biến trên thị trường hiện nay.
Ngành bảo hiểm đang đối mặt với nhiều hình thức gian lận, trục lợi mới Ngành bảo hiểm đang đối mặt với nhiều hình thức gian lận, trục lợi mới

Thời gian gần đây, nhiều người mua bảo hiểm cho rằng mình bị công ty bảo hiểm “lừa đảo” khi đưa ra nhiều lý do để không phải chi trả tiền bảo hiểm, ông nghĩ sao về tình huống này?

Có thể xuất phát từ những vụ việc doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường gây bức xúc cho khách hàng, dẫn đến việc “tố” doanh nghiệp bảo hiểm “lừa đảo”.

Chẳng hạn, khách hàng đã thay đổi thông số kỹ thuật của xe trước khi tham gia bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không khuyến cáo và vẫn cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng. Khi xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm lấy lý do “khách hàng đã thay đổi thông số kỹ thuật của xe dẫn đến đăng kiểm của xe hết hiệu lực” để từ chối bồi thường.

Đứng trên góc độ của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm đã cố tình không nói ra họ không đủ điều kiện để được bồi thường ngay từ đầu, mà vẫn tiến hành thu phí bảo hiểm, nếu không có tổn thất xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được hưởng toàn bộ phần phí này.

Một trường hợp khác, khách hàng mua bảo hiểm sức khoẻ thông qua đại lý bảo hiểm tổ chức. Đại lý tổ chức này tiến hành “gom nhóm”, đưa tất cả những người mua bảo hiểm vào danh sách một công ty để mua bảo hiểm được hưởng phí thấp và quyền lợi bảo hiểm cao. Khi xảy ra tổn thất yêu cầu bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm đòi hỏi phải có hợp đồng lao động từ phía công ty đã ký kết với nhà bảo hiểm, nhưng vì không phải là nhân viên của công ty nên không có hợp đồng lao động và vì thế không được bồi thường.

Trong vụ việc này, có thể khách hàng biết về việc gom nhóm nhưng họ vẫn tham gia vì ham cái lợi trước mắt. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, việc kiểm tra hay giải quyết bồi thường đối với những hợp đồng gom nhóm kiểu này sẽ phát hiện ra được ngay có gian dối hay không, nhưng ngay từ đầu doanh nghiệp bảo hiểm đã không đưa ra ý kiến, mà chỉ lúc nào tỷ lệ giải quyết bồi thường tăng quá cao mới đòi hỏi bổ sung các hồ sơ để hoàn thiện thủ tục bồi thường mà lúc đầu không yêu cầu, bởi vì biết khách hàng sẽ khó có thể cung cấp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu và đó là lý do để từ chối chi trả bảo hiểm, qua đó sẽ giảm tỷ lệ bồi thường.

Còn kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurace) thì sao, cũng có không ít thông tin phản ánh kênh này có tiêu cực?

Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng người đi vay tiền ngân hàng bị “ép” mua một số sản phẩm bảo hiểm đi kèm như bảo hiểm ô tô và để được giải ngân thuận lợi, người vay đành phải mua dù không có nhu cầu.

Hay như việc vào gửi tiền tại ngân hàng, nhưng nhân viên ngân hàng lại mời chào tham gia bảo hiểm và giải thích bảo hiểm như một khoản tiền gửi nên dễ gây hiểu nhầm, đến khi khách hàng cần tiền sử dụng đi ra ngân hàng rút thì không rút được và khi đó mới biết mình đã nộp tiền vào để mua hợp đồng bảo hiểm chứ không phải gửi tiết kiệm; hoặc là thỏa thuận với khách hàng nếu mua bảo hiểm sẽ được giảm lãi suất vay, nhưng khi khách hàng mua xong lại nói quy định thay đổi, không áp dụng được việc giảm lãi suất…

Tất cả những hành vi trên cho thấy bên bán bảo hiểm có dấu hiệu lừa dối khách hàng và việc khách hàng tố bên bán bảo hiểm “lừa đảo” là có cơ sở.

Liên quan tới việc bổ sung điều kiện, điều khoản không có trong thoả thuận từ phía khách hàng của công ty bảo hiểm, đây có được xem là hành vi lừa dối khách hàng không?

Tôi xin khẳng định là có. Trường hợp này thường xảy ra đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ, khi doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thay đổi tỷ lệ đồng chi trả do bệnh viện không thuộc phạm vi bảo hiểm và chỉ thực hiện thông báo từ doanh nghiệp bảo hiểm đến đại lý tổ chức tiến hành khai thác sản phẩm, chứ không trực tiếp gửi tới khách hàng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định, mọi thay đổi về điều kiện, điều khoản trong hợp đồng đã giao kết đều phải được đồng thuận từ cả doanh nghiệp và khách hàng, đồng thời phải lập thành văn bản. Tuy nhiên, nhiều trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thông báo cho khách hàng hoặc đại lý tổ chức sau khi đơn phương điều chỉnh và đây là lý do chính gây phản ứng.

Hiện nay, khái niệm “trục lợi bảo hiểm” không còn tồn tại trên văn bản quy phạm pháp luật bảo hiểm, nhưng trong giao tiếp cụm từ này vẫn được dùng để diễn đạt phổ biến. Ông có thể giải thích rõ hơn điều này?

Trên thực tế, hành vi “trục lợi bảo hiểm” hay “gian lận bảo hiểm” có thể đến từ nhiều phía, bao gồm cả bên bán bảo hiểm (là công ty bảo hiểm, nhân viên ngân hàng, đại lý…) hay bên thứ ba, chứ không chỉ riêng người mua bảo hiểm. Việc khách hàng có hành vi thu lợi bất chính từ doanh nghiệp bảo hiểm, hay khách hàng bị “lừa đảo” từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoặc cán bộ bảo hiểm vì lợi ích cá nhân có hành vi sai phạm đối với khách hàng đều bị coi là gian lận bảo hiểm.

Trên thực tế, hành vi “trục lợi bảo hiểm” hay “gian lận bảo hiểm” có thể đến từ nhiều phía, bao gồm cả bên bán bảo hiểm hiểm hay bên thứ ba, chứ không chỉ riêng người mua bảo hiểm.

Để hiểu rõ hơn, trước hết cần hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ “trục lợi bảo hiểm”. Theo nghĩa Hán Việt, từ “trục lợi” mang ý nghĩa kiếm lợi riêng một cách không chính đáng (đầu cơ trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi...), còn từ “bảo hiểm” mang nghĩa “bảo đảm sự an toàn, phòng ngừa tai nạn” khi là động từ (đội mũ bảo hiểm, thắt dây bảo hiểm...), mang nghĩa “sự đảm bảo của cơ quan bảo hiểm chi cho đối tượng bảo hiểm một khoản tiền theo quy định khi hết tuổi lao động hoặc khi có tai nạn, rủi ro xảy đến” khi là danh từ (bảo hiểm tai nạn, tiền bảo hiểm…).

Điểm 4, Mục V, Thông tư 31/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 118/2003/NĐ-CP định nghĩa: “Trục lợi bảo hiểm là hành vi cố ý lừa dối của tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và giải quyết khiếu nại bảo hiểm”.

Sau đó, Nghị định 118/2003/NĐ-CP được thay thế bằng Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013, nhưng cả nghị định này và Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đều không đề cập đến khái niệm hay đưa ra định nghĩa rõ ràng về trục lợi bảo hiểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khái niệm “trục lợi bảo hiểm” không còn được sử dụng trong những văn bản quy phạm pháp luật bảo hiểm và thay vào đó là cụm từ “gian lận bảo hiểm”, bởi “trục lợi bảo hiểm” có ý nghĩa rộng hơn, bao hàm “gian lận bảo hiểm”. Pháp luật cũng hướng đến điều chỉnh “cấm” những hành vi “gian lận” trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Mặt khác, nếu chỉ dừng ở ý “trục lợi bảo hiểm” sẽ dễ gây hiểu sai khi trong một số trường hợp không có hành vi gian lận, làm đúng quy định pháp luật, đúng quy tắc bảo hiểm, nhưng vẫn có lợi ích từ bảo hiểm. Vì thế, không phải tự nhiên mà văn bản quy phạm pháp luật thay thế khái niệm “trục lợi bảo hiểm” bằng “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”.

Kim Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục