Xử lý nghiêm doanh nghiệp gian lận đóng bảo hiểm xã hội

Kể từ năm 2018, chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động tăng lên có thể khiến gia tăng hiện tượng doanh nghiệp trốn, né đóng bảo hiểm. “Đây là hành vi cần phải xử lý nghiêm”, TS. Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Doanh nghiệp muốn phát triển, làm ăn lâu dài thì nên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động. Doanh nghiệp muốn phát triển, làm ăn lâu dài thì nên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động.

Doanh nghiệp cho rằng, chi phí sản xuất, kinh doanh sẽ tăng lên do cách tính đóng BHXH mới kể từ năm 2018, thưa ông?

Theo quy định, người sử dụng lao động phải đóng 17,5% tổng quỹ tiền lương tháng của người lao động. Trước đây, để giảm mức đóng góp, quỹ tiền lương rất thấp, vì doanh nghiệp chỉ trả tiền lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, nếu có cao hơn cũng không đáng kể, số tiền còn lại trả cho người lao động được đưa vào các loại phụ cấp.

Nhưng kể từ năm 2018, ngoài tiền lương, một số loại phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến, hoặc tính chưa đầy đủ (như phụ cấp chức vụ, chức danh, trách nhiệm, thâm niên, khu vực, thu hút…) cũng được làm căn cứ tính đóng BHXH.

Kể cả các khoản bổ sung được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định cũng được làm căn cứ tính đóng bảo hiểm cho người lao động. Như vậy, quỹ tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm tăng lên, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên.

Chính điều này khiến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thủy sản… sử dụng nhiều lao động rất lo ngại?

Chi phí sản xuất tăng, nhưng doanh nghiệp phải ý thức được rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của họ đối với người lao động, mà còn vì quyền lợi của doanh nghiệp.

Người lao động chỉ gắn bó với doanh nghiệp, chỉ cố gắng làm việc để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc khi chủ sử dụng lao động chăm lo đến quyền lợi của người lao động, bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Doanh nghiệp nào muốn phát triển, muốn làm ăn lâu dài, thì nên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cũng như quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động.

Doanh nghiệp cũng phải thấy rằng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã và đang quyết tâm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Cụ thể, bên cạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản chi phí chính thức (phí, lệ phí), nếu thấy khoản nào không cần thiết hoặc có mức thu không hợp lý, thì kiên quyết cắt giảm; kiên quyết cắt bỏ các khoản chi phí không chính thức.

Hay như năm 2017, Chính phủ đã giảm 0,5% mức đóng BHXH (giảm từ 18% xuống 17,5% tính trên quỹ tiền lương đóng BHXH) cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, số tiền giảm đóng BHXH rất đáng kể, bù đắp phần nào mức đóng BHXH tăng do tính cả phụ cấp lương và một số khoản tiền bổ sung khác trả cho người lao động vào quỹ lương tính đóng bảo hiểm.

Phụ cấp lương và khoản bổ sung có tính ổn định được tính vào tiền lương đóng bảo hiểm, nên người lao động phải đóng nhiều hơn trước đây. Điều này khiến người lao động không mặn mà với cách tính đóng bảo hiểm mới?

Chính vì vậy, mới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền của cả tổ chức công đoàn các cấp, công đoàn trong doanh nghiệp, đặc biệt là tuyên truyền của báo chí, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Phải tuyên truyền cho người lao động hiểu rằng, toàn bộ số tiền bảo hiểm là tiền của họ, trong khi họ chỉ phải đóng 8% tính trên tổng mức tiền lương, phụ cấp và khoản bổ sung được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định, nhưng được hưởng 25,5% vì đã được chủ sử dụng lao động đóng 17,5%.

Ngoài ra, phải tuyên truyền cho người lao động hiểu rằng, tiền bảo hiểm mà họ đóng chính là tiền lương hưu khi họ hết tuổi lao động theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều.

Tham gia BHXH, người lao động được hưởng chế độ nếu không may bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất; phụ nữ còn được hưởng chế độ thai sản, phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau.

Tôi cho rằng, khi hiểu được ý nghĩa nhân văn của BHXH, chắc chắn người lao động không ngại đóng bảo hiểm nhiều hơn.

Nhưng thưa ông, vì lợi ích, nên vẫn có không ít doanh nghiệp tìm cách trốn, tránh đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động?

Hành vi trốn đóng; chậm đóng; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH… bị Luật BHXH nghiêm cấm.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Nếu tái phạm hoặc phạm tội nặng hơn, sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm, thậm chí có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Doanh nghiệp phạm tội bị xử phạt ít nhất là 200 triệu đồng, cao nhất có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng.

Mức xử phạt kể trên khá nghiêm khắc, cần phải đưa một số vụ vi phạm đóng bảo hiểm bắt buộc ra truy tố để làm gương, răn đe doanh nghiệp khác. Bên cạnh áp dụng nghiêm chế tài xử lý các hành vi vi phạm bảo hiểm bắt buộc, cần phải tăng cường thanh, kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đóng bảo hiểm bắt buộc?

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục