Tăng cường quản lý, giám sát và chế tài xử phạt
Nghị định số 98/2013/NĐ-CP (Nghị định 98) được Chính phủ ban hành ngày 28/8/2013 quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Nghị định này đã hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, giám sát, điều hành thị trường bảo hiểm Việt Nam, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Nghị định 73/2016/NĐ-CP (Nghị định 73) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đồng thời siết chặt hơn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến góp ý để xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 98.
“Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới, đặc biệt trong công tác quản lý, giám sát bảo hiểm. Cùng với đó, chế tài xử phạt cũng được tăng cường”, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.
Chẳng hạn, Dự thảo đã quy định việc xử phạt hành chính các hành vi liên quan đến việc không thực hiện đăng báo, công bố không đúng thời hạn, công bố không đúng về những nội dung thay đổi theo quy định của pháp luật...
“Theo quy định tại Dự thảo, sẽ phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, vị đại diện trên cho biết.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định rõ việc xử phạt các hành vi liên quan đến việc bổ nhiệm, phân công công việc và thực hiện nhiệm vụ đối với nhà quản trị, người điều hành doanh nghiệp bảo hiểm như chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe; chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài; kiểm soát viên, trưởng Ban kiểm toán nội bộ; giám đốc chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện; giám đốc, phó giám đốc của chi nhánh nước ngoài…
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí với Bộ Tài chính đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trước khi triển khai, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ đúng các điều khoản đã đăng ký với Bộ Tài chính; bổ sung quy định về hành vi vi phạm quy định về đầu tư vốn chủ sở hữu, đầu tư vào các công ty trong cùng tập đoàn; sửa đổi quy định hành vi vi phạm về giữ lại mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro, hoặc tổn thất riêng lẻ từ mức 5% lên 10%...
Cần làm rõ các hành vi gian lận
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bày tỏ sự đồng thuận trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định mới, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải làm rõ.
Chẳng hạn, tại Khoản 1, Điều 7-Dự thảo Nghị định quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi "Không thực hiện đăng báo hàng ngày trong 5 số báo liên tiếp nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, văn phòng đại diện đặt trụ sở chính về những nội dung theo quy định của pháp luật".
“Quy định này là cần thiết, nhưng chưa thống nhất với quy định tại Nghị định 73 và Thông tư 50/2017/TT-BTC (Thông tư 50)”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nói và cho biết, theo quy định tại Điều 16-Nghị định 73, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng báo hàng ngày trong 5 số báo liên tiếp về những nội dung thay đổi được quy định tại điều này, nhưng không bắt buộc phải là báo nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Tương tự, Điểm b, Khoản 1, Điều 35-Thông tư 50 quy định doanh nghiệp phải công bố công khai Báo cáo thường niên và Báo cáo tài chính tóm tắt trên báo ra hàng ngày trong 3 số báo liên tiếp và cũng không yêu cầu phải là báo nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
“Do vậy, cơ quan soạn thảo nên sửa quy định theo hướng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đăng báo các nội dung theo quy định pháp luật, nhưng không nhất thiết đăng tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính”, vị lãnh đạo trên đề xuất.
Về mức tiền phạt như đã nêu trên, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính cần cụ thể về mức độ gian lận và mức phạt tiền tương ứng, bởi trên thực tế, số tiền bị phạt có thể không tương thích với số tiền bị gian lận (nhiều hơn hoặc ít hơn).
“Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã bao gồm hành vi chiếm dụng phí bảo hiểm của đại lý hay chưa, từ đó đưa ra mức phạt cụ thể đối với hành vi này để răn đe, cũng như bổ sung biện pháp xử lý…”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn kiến nghị.