Mùa tái tục khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thiên tai tại Việt Nam ngày càng tăng đang khiến các nhà tái bảo hiểm thận trọng hơn trong việc hợp tác với các công ty bảo hiểm Việt Nam. Nhiều công ty tái bảo hiểm đã đưa ra phương án tăng phí đối với một số loại hình bảo hiểm.
Rủi ro về thiên tai đang là vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp bảo hiểm Rủi ro về thiên tai đang là vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp bảo hiểm

Phí bảo hiểm P&I sẽ tăng 5 - 10%

Bảo hiểm P&I (một loại bảo hiểm chuyên dụng dành cho các vụ kiện và rủi ro phát sinh trong ngành vận tải biển và hàng hóa) trên thế giới đã chứng kiến những biến động lớn trước mùa tái tục 2023. Trước năm 2022, các hội P&I (hội đoàn kết bảo hiểm hàng hải, cung cấp dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ pháp lý cho các chủ tàu trên toàn thế giới) chứng kiến bồi thường tăng cao, song lợi nhuận đầu tư đạt kết quả tốt. Đến mùa tái tục 2022 - 2023, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Hoạt động đầu tư ghi nhận kết quả lỗ và ở mức thấp nhất từ trước đến nay, đồng thời bồi thường cũng giảm xuống mức thấp trong vòng mấy năm trở lại đây.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, thị trường bảo hiểm P&I Việt Nam đã trải qua một mùa tái tục 2023 khó khăn cho cả chủ tàu, các công ty bảo hiểm cũng như các hội P&I. Hầu như các hội P&I tham gia vào thị trường Việt Nam đều bị sụt giảm thu nhập từ đầu tư do khó khăn của thị trường tài chính và lạm phát tăng cao trên toàn thế giới sau đại dịch Covid-19. Việc gia tăng các tổn thất về số lượng và số tiền, các tổn thất lớn chia sẻ trong Pool (phân bổ rủi ro tài chính đồng đều giữa một nhóm các công ty bảo hiểm), hội P&I đều phải tăng phí để bù đắp dự phòng giảm sút bằng cách yêu cầu phí đóng thêm hay thông báo mức tăng chung cho mùa tái tục năm 2023 - 2024 từ 5 - 10%.

Theo Vinare, năm 2023 là năm thực sự khó khăn cho các công ty bảo hiểm Việt Nam khi thương lượng tái tục với các hội P&I trước những yêu cầu tăng cả phí và tăng cả mức khấu trừ. Việc tăng phí để bù đắp thiếu hụt từ đầu tư tài chính và bồi thường tăng cao là vấn đề sống còn của các hội P&I. Trong khi đó, việc các công ty bảo hiểm thương lượng tái tục với các chủ tàu cũng khó khăn không kém trước tình hình kinh doanh của các chủ tàu vốn đã khó khăn, nay phải đối mặt với cả việc tăng phí bảo hiểm và tăng mức khấu trừ. Bên cạnh đó, các hội P&I trong nhóm hội quốc tế cũng như các hội tham gia thị trường Việt Nam đã chọn lọc hơn các tàu để cung cấp dịch vụ bảo hiểm, như từ chối tái tục các tàu đơn lẻ, các đội tàu có chất lượng quản lý không tốt và các tàu có dấu hiệu vi phạm quy định như tắt tín hiệu AIS…

Đau đầu tính phí

Năm 2023 là năm thực sự khó khăn cho các công ty bảo hiểm Việt Nam khi thương lượng tái tục với các hội đoàn kết bảo hiểm hàng hải, cung cấp dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ pháp lý cho các chủ tàu trên toàn thế giới trước những yêu cầu tăng cả phí và tăng cả mức khấu trừ.

Không chỉ bảo hiểm P&I gặp khó khăn hơn với việc tăng phí bảo hiểm và mức khấu trừ, theo Sigma, tỷ lệ phí bảo hiểm/tái bảo hiểm rủi ro thảm họa tài sản đã tăng lên gần mức cao nhất trong vòng 20 năm vào mùa tái tục tháng 1/2023. Nhu cầu về phạm vi bảo hiểm đã tăng lên khi thiên tai tiếp tục gây thiệt hại tài sản trên toàn thế giới.

Năm 2022 là một trong những năm thế giới hứng chịu những tổn thất nặng nề do hậu quả của thiên tai. Bão, lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác đã gây thiệt hại khoảng 360 tỷ USD trên toàn thế giới; trong đó, tổn thất được bồi thường bảo hiểm là 125 tỷ USD, mức cao thứ tư trong vòng một thập kỷ qua.

Các tổn thất do thiên tai gia tăng và sự ước tính thiếu hụt của ngành bảo hiểm về các tổn thất cho thấy cần phải hiểu rõ hơn về tất cả các yếu tố thúc đẩy rủi ro đang diễn ra. Ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm từ lâu đã theo dõi các rủi ro sơ cấp, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng đối với các rủi ro thứ cấp, khi những tổn thất liên quan đến rủi ro thứ cấp đã tăng lên trong nhiều năm.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - khẳng định, các tổn thất do thiên tai gây ra ngày càng gia tăng. Các đô thị tập trung lượng lớn dân cư và tài sản thường nằm tại các vị trí có mức rủi ro thiên tai cao. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến thiên tai xuất hiện thường xuyên với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, các rủi ro tổn thất về người, sinh kế và tài sản mà các đô thị đang phải đối mặt cũng cao hơn.

Trong cuộc họp của ngành tái bảo hiểm ở Đức ngay trước mùa tái tục quan trọng ngày 1/1/2024, các chuyên gia trong ngành tái bảo hiểm quốc tế cho biết, họ đã chứng kiến những tổn thất xảy ra trong năm không chỉ về tài sản, mà còn về xe cơ giới và kỹ thuật, số tiền tổn thất đang ngày càng gia tăng. Các chuyên gia trong ngành này cũng cho rằng, thách thức chính là những hiểm họa liên quan đến biến đổi khí hậu như mưa đá và lũ lụt, thứ mà chúng ta không có mô hình đánh giá thực tế.

Các nhà tái báo hiểm cũng thấy rằng, có những điều chỉnh đáng kể về mức giữ lại cũng như về giá đối với các tài sản bị ảnh hưởng bởi động đất, đặc biệt là sau trận động đất gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, đối với lần tái tục sắp tới, sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận xung quanh những nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu.

Một số sản phẩm bị từ chối tái bảo hiểm

Tại Việt Nam, rủi ro về thiên tai đang là vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi khả năng dự báo và phòng ngừa rủi ro thiệt hại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo ghi nhận của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật trên các vùng miền cả nước, với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó điển hình có 1.047 trận thiên tai. Tính đến hết năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.452 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Tại một số khu vực có nhiều rủi ro bão lũ như tại miền Trung, các quy định/điều khoản liên quan đến thiên tai chặt chẽ hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro cho chính các doanh nghiệp bảo hiểm. Thậm chí, một số công ty bảo hiểm còn từ chối cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân, nhà máy tại các khu vực có rủi ro thiên tai cao, nếu cung cấp thì mức phí rất cao.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top đầu thị trường phi nhân thọ cho biết, không phải doanh nghiệp bảo hiểm không muốn bán bảo hiểm cho những khu vực có nguy cơ cao, mà do công ty bảo hiểm không thể tìm được nhà tái nào chấp nhận.

Rủi ro thiên tai tại Việt Nam ngày càng tăng khiến các nhà tái bảo hiểm thận trọng hơn trong việc hợp tác với các công ty bảo hiểm Việt Nam, thậm chí nhiều công ty tái bảo hiểm đã đưa ra phương án tăng phí đối với một số loại hình bảo hiểm. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn hơn khi thu nhượng tái cũng như làm cho mức phí bị tăng cao hơn.

Trong một diễn biến khác, để đáp ứng mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C của Thỏa thuận Khí hậu Paris, sản lượng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu phải giảm 9,5% đối với than đá, 8,5% đối với dầu mỏ và 3,4% đối với khí đốt mỗi năm cho đến năm 2030. Trên toàn thế giới, nhiều công ty bảo hiểm/tái bảo hiểm tuyên bố ủng hộ Thỏa thuận Paris và sẽ điều chỉnh chính sách của mình.

Với mục tiêu phát triển các sản phẩm bảo hiểm có mức giá hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với sự phát triển bền vững, theo kế hoạch, đến năm 2025, Vinare sẽ loại bỏ hoàn toàn việc nhận tái bảo hiểm các dự án nhiệt điện than nước ngoài (tạm thời), cũng như hạn chế cung cấp tái bảo hiểm cho các dự án nhiệt điện than trong nước (tạm thời). Nhà bảo hiểm này cũng cam kết sẽ loại bỏ việc cung cấp bảo hiểm cho các đơn vận chuyển than.

Nguyễn Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục