Rủi ro thiên tai ngày càng lớn
Số liệu từ các nhà tái bảo hiểm quốc tế cho thấy, trung bình tổn thất do thiên tai trong giai đoạn 2017 - 2021 là khoảng 110 tỷ USD, cao gấp đôi so với con số bình quân 52 tỷ USD trong giai đoạn 2012 - 2016.
Cùng với kết quả mô phỏng từ tổ chức phát triển mô hình thiên tai Verisk (công bố qua bài báo Global Modeled Catastrophe Losses), các nhà tái bảo hiểm tiếp tục dự báo trung bình tổn thất do thiên tai ở mức độ trên 100 tỷ USD/năm từ năm 2022 trở đi. Điều này cho thấy xu hướng khó khăn của thị trường tái bảo hiểm vẫn tiếp diễn trong những năm tới.
Trong khi đó, theo Sigma, tỷ lệ phí bảo hiểm/tái bảo hiểm rủi ro thảm họa tài sản đã tăng lên gần mức cao nhất trong vòng 20 năm vào mùa tái tục tháng 1/2023. Nhu cầu về phạm vi bảo hiểm đã tăng lên khi thiên tai tiếp tục gây thiệt hại tài sản trên toàn thế giới.
Năm 2022 là một trong những năm thế giới hứng chịu những tổn thất nặng nề do hậu quả của thiên tai. Bão, lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác đã gây thiệt hại khoảng 360 tỷ USD trên toàn thế giới; trong đó, tổn thất được bồi thường bảo hiểm là 125 tỷ USD, mức cao thứ tư trong vòng một thập kỷ qua. Các sự kiện thời tiết bất thường của năm 2022 là minh chứng rõ ràng nhất cho hệ quả của biến đổi khí hậu, một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc thực hiện quy hoạch cũng như có các chiến lược nhằm hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực bảo hiểm tài sản.
Năm 2022, bão, lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác đã gây thiệt hại khoảng 360 tỷ USD trên toàn thế giới.
Các tổn thất do thiên tai gia tăng và sự ước tính thiếu hụt của ngành bảo hiểm về các tổn thất cho thấy cần phải hiểu rõ hơn về tất cả các yếu tố thúc đẩy rủi ro đang diễn ra. Ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm từ lâu đã theo dõi các rủi ro sơ cấp, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng đối với các rủi ro thứ cấp, khi những tổn thất liên quan đến rủi ro thứ cấp đã tăng lên trong nhiều năm. Các nhà bảo hiểm cần phải có nguyên tắc chặt chẽ hơn trong việc giám sát các rủi ro thứ cấp dẫn đến tổn thất và chia sẻ các phát hiện liên quan trong ngành bảo hiểm. Việc thiếu dữ liệu rủi ro chi tiết cũng có thể cản trở sự hiểu biết về tất cả các rủi ro hiện nay.
Khó khăn trong thu nhượng tái
Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - cũng khẳng định, các tổn thất do thiên tai gây ra ngày càng gia tăng. Các đô thị tập trung lượng lớn dân cư và tài sản thường nằm tại các vị trí có mức rủi ro thiên tai cao. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến cho thiên tai xuất hiện thường xuyên hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, do đó, các rủi ro tổn thất về người, sinh kế và tài sản mà các đô thị đang phải đối mặt cũng cao hơn.
Tại Việt Nam, rủi ro về thiên tai đang là vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi khả năng dự báo và phòng ngừa rủi ro thiệt hại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo ghi nhận của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật trên các vùng miền cả nước, với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó điển hình có 1.047 trận thiên tai. Tính đến hết năm, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.452 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).
Mặc dù tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, việc đề phòng rủi ro tại nhiều doanh nghiệp lại chưa được chú trọng đúng mức.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top đầu thị trường cho biết, để nâng cao nhận thức cho khách hàng trong việc giảm thiểu những thiệt hại không đáng có, doanh nghiệp bảo hiểm này thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, xây dựng các cẩm nang xử lý khi thiên tai xảy ra, đồng thời thiết lập một tổng đài trực khẩn cấp trong các đợt cao điểm dông bão… Tuy vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay là khi không may xảy ra tổn thất (chủ yếu là dông bão), nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất tổn thất xảy ra.
Tại một số khu vực có nhiều rủi ro bão lũ như tại miền Trung, các quy định/điều khoản liên quan đến thiên tai cũng chặt chẽ hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro cho chính các doanh nghiệp bảo hiểm. Thậm chí, một số công ty bảo hiểm còn từ chối cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân, nhà máy tại các khu vực có rủi ro thiên tai cao, nếu cung cấp thì mức phí cũng rất cao.
Đại diện doanh nghiệp trên cho biết, không phải doanh nghiệp bảo hiểm không muốn bán bảo hiểm cho những khu vực có nguy cơ cao, mà do công ty bảo hiểm không thể tìm được nhà tái nào chấp nhận.
Rủi ro thiên tai tại Việt Nam ngày càng tăng đang khiến các nhà tái bảo hiểm thận trọng hơn trong việc hợp tác với các công ty bảo hiểm Việt Nam, thậm chí nhiều công ty tái bảo hiểm đã đưa ra phương án tăng phí đối với một số loại hình bảo hiểm. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn hơn khi thu nhượng tái cũng như làm cho mức phí bị tăng cao hơn.
Rủi ro thiên tai tại Việt Nam ngày càng tăng đang khiến các nhà tái bảo hiểm thận trọng hơn trong việc hợp tác với các công ty bảo hiểm Việt Nam.
Liên quan đến việc đánh giá các rủi ro, IFC vừa đưa ra thị trường bộ công cụ Building Resilience Index (BRI) - một “hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro trực tuyến” và là “khuôn khổ đánh giá khả năng thích ứng” cho ngành xây dựng, giúp ích cho việc đánh giá, cải thiện và công bố về khả năng thích ứng của công trình. Bộ công cụ này đã thí điểm tại Philippines và Việt Nam là nước thứ hai thực hiện thí điểm.
Được biết, BRI sẽ cung cấp một công cụ đánh giá cho các hoạt động của khối tư nhân về thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với nền tảng Chứng nhận công trình xanh EDGE, tập trung vào giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Bộ công cụ này cũng có thể giúp các công ty bảo hiểm bổ sung hướng tiếp cận đa nguy cơ vào mô hình tính toán tổn thất thiên tai; đánh giá xếp hạng khả năng thích ứng của tài sản trước khi thẩm định bảo hiểm; tiết kiệm thời gian và tài nguyên trong quá trình đánh giá dự án…