"Bảo hiểm rủi ro" thiên tai cho doanh nghiệp bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong quý I/2022, trên toàn cầu, tổng tổn thất được bảo hiểm liên quan đến thời tiết ước lên tới 114 tỷ USD và sẽ còn tăng lên. Bởi vậy, các doanh nghiệp phi nhân thọ trong nước có giải pháp nào hạn chế tổn thất gây ra bởi rủi ro này là vấn đề được quan tâm, khi Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Bồi thường tổn thất do thiên tai ngày một tăng. Ảnh: Dũng Minh Bồi thường tổn thất do thiên tai ngày một tăng. Ảnh: Dũng Minh

Rủi ro thiên tai ngày một lớn

Báo cáo tóm tắt Thảm họa toàn cầu quý I/2022 do Công ty Môi giới bảo hiểm Aon (Mỹ) phát hành trong tháng 4/2022 được Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) đăng tải cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, các sự kiện thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng thiệt hại kinh tế ban đầu khoảng 31 tỷ USD, trong đó các công ty bảo hiểm nhà nước và tư nhân đã bồi thường khoảng 14 tỷ USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số bồi thường ước tính và có thể tăng lên đáng kể trong những tháng tới.

Báo cáo cập nhật mới đây của Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sỹ) cũng cho thấy, nhà tái bảo hiểm này đã chấp nhận các yêu cầu bồi thường liên quan tới thảm họa thiên nhiên lớn hơn dự kiến là 524 triệu USD, tới đại dịch Covid-19 là 515 triệu USD….

Biến đổi khí hậu có chiều hướng ngày càng tăng thêm cả về mức độ nghiêm trọng lẫn tần suất các sự kiện thảm họa, đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với rủi ro ngày càng tăng, chi phí và tổn thất lớn hơn.

Trong một phân tích khác, các chuyên gia trong ngành bày tỏ sự e ngại rằng, việc rủi ro thiên tai không ngừng gia tăng dẫn đến nhu cầu bảo hiểm tăng theo và việc mua đồng thời nhiều sản phẩm bảo hiểm có thể là cách tiếp cận khả dĩ nhất để đối phó với những rủi ro diện rộng này. Các sản phẩm bảo hiểm truyền thống cũng như tham số cho phép các công ty bảo hiểm nhận được tiền bồi thường đủ để bù đắp lại thiệt hại vật chất trực tiếp, tổn thất do gián đoạn kinh doanh chủ động và ngẫu nhiên…

Dữ liệu từ báo cáo Sigma mới nhất của Viện nghiên cứu Swiss Re cho biết, các sự kiện thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 gây thiệt hại kinh tế tổng cộng lên tới 270 tỷ USD, trong đó tổn thất được bảo hiểm là 111 tỷ USD, mức cao thứ tư kể từ năm 1970.

Trên thực tế, thảm họa thiên tai luôn gây thiệt hại rất lớn cả về con người lẫn tài sản, có tính “bắc cầu” cho những tổn thất về hạ tầng cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn kinh doanh…

Khảo sát của Tập đoàn Bảo hiểm tín dụng Coface (Pháp) công bố mới đây cho thấy, có đến 80% doanh nghiệp trên toàn cầu đối mặt với tình trạng không thanh toán hoặc thanh toán không đúng hạn của bên mua. Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp phá sản, có đến 25% liên quan đến nợ xấu từ chính khách hàng của họ.

Tăng bồi thường ở nghiệp vụ “hot”

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường bảo hiểm ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro hơn và điều này gây sức ép lớn hơn lên các hoạt động quản trị rủi ro của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên cần phải am hiểu rủi ro và đây cũng là cơ sở định hình các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với từng loại rủi ro.

Dữ liệu từ báo cáo Sigma mới nhất của Viện nghiên cứu Swiss Re cho biết, các sự kiện thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 gây thiệt hại kinh tế tổng cộng lên tới 270 tỷ USD, trong đó tổn thất được bảo hiểm là 111 tỷ USD, mức cao thứ tư kể từ năm 1970.

Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, rủi ro thiên tai thực ra không phải là vấn đề quá lo ngại đối với các công ty bảo hiểm Việt Nam, bởi về cơ bản, các loại tài sản có giá trị lớn đều đã được tái bảo hiểm nên tỷ lệ bồi thường của nhà bảo hiểm đối với những tài sản này khi gặp rủi ro thiên tai đã giảm đáng kể.

“Với bảo hiểm tài sản, các công ty bảo hiểm Việt Nam chỉ cấp bảo hiểm theo các điều kiện, điều khoản mà nhà tái đưa ra (fronting), sau đó phí bảo hiểm sẽ được tái hết. Chỉ các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ thường được giữ lại toàn bộ nên nếu có lo lắng về tỷ lệ bồi thường gia tăng thì đây mới là nghiệp vụ cần lưu tâm, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới”, vị đại diện trên cho hay.

Thực tế, trong năm qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến doanh thu phí mới của hầu hết nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ giảm sút, tỷ lệ bồi thường nhờ đó cũng được điều chỉnh về mức an toàn hơn, khoảng 30% tổng doanh thu phí.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.082 tỷ đồng, tăng 14,7 % so với cùng kỳ 2021; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc ước khoảng 4.250 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 24,9% - thấp hơn con số của cùng kỳ năm trước là 30,1%.

Tuy nhiên, ở một vài nghiệp vụ, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc bắt đầu tăng ngay từ quý đầu năm nay, chẳng hạn nghiệp vụ bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới (tăng 40%), bảo hiểm cháy nổ tự nguyện (39,6%), bảo hiểm bảo lãnh (34,9%)... Bảo hiểm xe cơ giới cũng là 1 trong 3 nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao trên 40% trong năm 2021, bao gồm bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (74,2%), bảo hiểm hàng không (46,1%) và bảo hiểm xe cơ giới (45%).

Thống kê trên cho thấy, dù tổng tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường phi nhân thọ đang khá “đẹp” so với giai đoạn trước dịch, nhưng việc tốc độ tăng tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc tại nhiều nghiệp vụ chủ chốt nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu phí khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm mất đi lợi thế trước các nhà tái. Đối mặt với thực tế này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu đưa ra các chính sách nhằm giảm tỷ lệ bồi thường như tăng phí bảo hiểm, tinh giảm các chi phí quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin…

Đối với các nghiệp vụ bán buôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm cháy nổ…, các hãng bảo hiểm trong nước tiếp tục theo hướng thận trọng để giảm sự phụ thuộc vào thị trường tái bảo hiểm, bởi với các nghiệp vụ được đánh giá có nhiều rủi ro và mức độ thiệt hại đang ở mức cao thì nhà tái ngày càng siết chặt, dẫn đến việc đàm phám tái tục hợp đồng tái bảo hiểm năm 2022 trở nên khó khăn hơn.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục