Trong phiên Mỹ đêm qua (9/3), giá dầu WTI giao tháng 4 giảm 1 USD/thùng, tương đương 2%, đóng cửa ở 49,28 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2016, 1 ngày trước khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng ý thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm.
Giá dầu đã rung lắc quanh mức 50 USD/thùng kể từ khi kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/1/2017. Động thái này giúp hạ thấp hơn nguồn cung trên thị trường, yếu tố đã khiến giá dầu sụp đổ kể từ cuối năm 2014.
Tuy nhiên, trái ngược với động thái của OPEC, nguồn cung dầu đá phiến tại Mỹ đã tăng mạnh hơn dự kiến.
Theo số liệu của chính phủ, trong tuần qua, nguồn cung dầu tại Mỹ tăng thêm 8,2 triệu thùng, mức tăng mạnh nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1982.
Nguồn cung dầu (cột màu xanh) tại Mỹ tuần qua tăng mạnh nhất trong lịch sử
“Mọi người đang lo lắng về sự cân bằng của cung – cầu trên thị trường. Khi giá dầu đạt mức 50 USD/thùng, ngay lập tức dầu đá phiến hồi sinh. Điều này rất có thể khiến các thành viên OPEC, cùng các quốc gia xuất khẩu dầu thô khác suy nghĩ lại về thỏa thuận cắt giảm sản lượng của mình”, Adam Sieminski, cựu Chủ tịch Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA).
Đầu tuần này, Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Xê út Khalid Al-Falih cho biết, nguồn cung, cùng lượng hàng tồn kho trên toàn cầu giảm chậm hơn dự kiến, khiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên của OPEC trong 6 tháng đầu năm 2017 có thể sẽ phải mở rộng hơn. Trong tháng 5/2017, các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ nhóm họp tại Vienna để quyết định bước đi tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Khalid Al-Falih khẳng định, vương quốc này sẽ không hành động một mình, nếu không có sự tham gia của các quốc gia khác.