Giá dầu lao dốc, kéo chứng khoán giảm theo

(ĐTCK) Dữ liệu kho dự trữ dầu thô tăng mạnh đã khiến giá dầu thô giảm tới hơn 5%, khéo Dow Jones và S&P 500 có phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Giá vàng cũng tiếp tục có ngày giảm mạnh thứ 3 liên tiếp.
Giá dầu thô lao dốc mạnh sau dữ liệu kho dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng vọt gấp 4 lần dự báo (Ảnh minh họa: AFP) Giá dầu thô lao dốc mạnh sau dữ liệu kho dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng vọt gấp 4 lần dự báo (Ảnh minh họa: AFP)

Trong phiên giao thứ Tư, phố Wall nỗ lực phục hồi trở lại sau 2 phiên giảm đầu tuần. Sắc xanh cũng đã ngay từ đầu phiên ở cả 3 chỉ số sau dữ liệu việc làm tích cực. Theo đó, số việc làm mới trong khu vực tư nhân (ADP) của Mỹ trong tháng trước là 298.000 việc làm, cao hơn rất nhiều so với con số dự báo 190.000 của giới phân tích.

Tuy nhiên, sự lao dốc của giá dầu thô khi kho dự trữ dầu tuần trước của Mỹ vừa được công bố tăng mạnh đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 2,5%, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ giữa tháng 9/2016, khiến Dow Jones và S&P 500 đảo chiều và có phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, nhờ chút may mắn Nasdaq đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Dow Jones giảm 69,03 điểm (-0,33%), xuống 20.855,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,41 điểm (-0,23%), xuống 2.362,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,62 điểm (+0,06%), lên 5.837,55 điểm.

Trong khi đó, đóng cửa sớm hơn, chưa chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu năng lượng, trong khi lại nhận được sự hỗ trợ tích cực từ kết quả kinh doanh của Adidas và công ty bảo mật G4S của Anh, chứng khoán Đức và Pháp đã phục hồi tăng nhẹ, trong khi chứng khoán Anh thiếu chút may mắn nên vẫn ở dưới sát của mức tham chiếu khi đóng cửa phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 4,38 điểm (-0,06%), xuống 7.334,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 1,17 điểm (+0,01%), lên 11.967,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,48 điểm (+0,11%), lên 4.960,48 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục kéo dài chuỗi giảm điểm của mình lên con số 4 khi nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo việc làm của Mỹ. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm nhẹ trở lại sau 2 phiên tăng đầu tuần sau dữ liệu nước này bất ngờ thâm hụt thương mại trong tháng 2. Tuy nhiên, thị trường điều chỉnh vẫn chủ yếu là do chính sách quản lý thắt chặt hơn của Bắc Kinh nhằm tránh tình trạng đầu cơ trên thị trường, để hạn chế rủi ro tài chính.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp, thậm chí mức tăng còn được nới rộng hơn phiên trước đó nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản đại lục, cũng như đà tăng mạnh của             ZTE sau khi nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc đồng ý chấp nhận mức phạt mà Mỹ đưa ra  .

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 90,12 điểm (-0,47%), xuống 19.254,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 101,2 điểm (+0,43%), lên 23.782,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,75 điểm (-0,05%), xuống 3.240,66 điểm.

Dữ liệu việc làm trong lĩnh vực ADP của Mỹ vừa công bố khả quan dự báo bảng lương phi nông nghiệp, được công bố cuối tuần này cũng sẽ tích cực. Điều này càng làm gia tăng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất và đẩy đồng USD tiếp tục tăng, qua đó kéo giá vàng có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần và vẫn ở mức thấp nhất 6 tuần.

Kết thúc phiên 8/3, giá vàng giao ngay giảm 7,6 USD (-0,63%), xuống 1.208,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 6,7 USD (-0,55%), xuống 1.209,4 USD/ounce.

Dữ liệu được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước bất ngờ tăng vọt lên mức 8,2 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với mức dự báo 2 triệu thùng của giới phân tích.

Thông tin này đã ngay lập tức đẩy giá dầu thô lao dốc, giảm hơn 5% trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất trong năm nay.

Kết thúc phiên 8/3, giá dầu thô Mỹ giảm 2,86 USD/thùng (-5,69%), xuống 50,28 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,81 USD (-5,29%), xuống 53,11 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục