Lạm phát trở lại, nhưng đừng mải tin vàng

(ĐTCK) Trên thế giới, nhiều nhà đầu tư đang dần tập trung sự chú ý vào sự trở lại của yếu tố lạm phát. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các tài sản cố định như vàng sẽ không giúp phòng vệ hiệu quả một khi lạm phát tăng.
Nếu được sử dụng là công cụ trú ẩn lạm phát, vàng có thể hủy hoại nghiêm trọng giá trị tài sản của nhà đầu tư Nếu được sử dụng là công cụ trú ẩn lạm phát, vàng có thể hủy hoại nghiêm trọng giá trị tài sản của nhà đầu tư

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ từng ở ngưỡng âm hồi đầu năm 2015, song hiện đã tăng lên 2,5% so với năm 2016 và đang hướng tới mức 3%.

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), lạm phát giá tiêu dùng cũng đã tăng hơn 1,1% kể từ đầu năm 2017. Tương tự, tại châu Á, hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan hay vùng lãnh thổ Đài Loan…, cũng đang chứng kiến xu hướng lạm phát tăng tốc.

Dù vàng là một tài sản mà mọi người đều muốn sở hữu để đa dạng hóa danh mục đầu tư, song nắm giữ vàng để phòng vệ lạm phát luôn tồn tại những rủi ro nhất định.

Trên thực tế, lạm phát tăng sẽ tạo ra một số lo ngại nhất định đối với giới đầu tư. Nó không chỉ làm giảm sức mua, thay đổi thói quen tiêu dùng mà còn kích thích tâm lý đầu cơ và tích trữ hàng hóa hay bất động sản. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư thường có xu hướng cố gắng tìm và thử nghiệm các giải pháp để phòng vệ khi lạm phát tăng, trong đó có việc thu gom vàng và các kim loại quý khác.

Tuy nhiên, chuyên gia Paul Donovan tại UBS Wealth Management, đồng thời là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Sự thực về lạm phát”, nhận định rằng, nắm giữ vàng không phải cách giải pháp tốt để duy trì giá trị và nếu được sử dụng là công cụ trú ẩn lạm phát, thì vàng có thể hủy hoại nghiêm trọng giá trị tài sản của nhà đầu tư.

Nhìn vào 2 thước đo chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ thời gian qua, cụ thể là tiền mặt (đồng USD) và vàng, thì thấy rằng, cả 2 thước đo này đều sử dụng rổ hàng hóa và dịch vụ làm chuẩn cơ bản.

Điều này thể hiện 2 điều: thứ nhất, kể từ năm 2013, giá tiêu dùng tại Mỹ được đo bằng USD đã tăng 4,8%, tức là tính đến cuối năm 2016, người tiêu dùng Mỹ nắm giữ tiền mặt có thể mua tối đa 95,2% những gì họ có thể mua trong năm 2013; thứ hai, kể từ năm 2013, giá tiêu dùng tại Mỹ đo bằng vàng đã tăng 51,5%, đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng Mỹ tại thời điểm cuối năm 2016 nắm giữ vàng chỉ có thể mua 48,5% những gì họ có thể trong năm 2013.

Như vậy, việc bị hao hụt hơn một nửa sức mua khi nắm giữ vàng rõ ràng không phải là một chỉ dấu tốt trong phòng vệ lạm phát. Hơn nữa, minh họa trên cũng cho thấy, mức biến động lạm phát trong vàng bất ổn hơn nhiều so với tiền mặt và càng chứng minh rằng, vàng không nên được coi là công cụ trú ẩn lạm phát.

Một điểm đáng chú ý khác là nguồn cung vàng không hề cố định, cũng như khó có thể dự đoán chính xác. Thực tế, trên 1/3 nguồn cung vàng hiện nay xuất phát từ vàng tái chế, khi người tiêu dùng bán lại trang sức của mình để đổi lấy tiền mặt. Nếu nguồn cung vàng tăng tương ứng với nguồn cung hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, thì vàng sẽ không đem lại sự phòng vệ chống lạm phát.

Một số ý kiến khác cho rằng, khả năng phòng vệ lạm phát của vàng chỉ thực sự hiệu quả khi xảy ra tình trạng lạm phát phi mã. Điều này là đúng, song không có nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay phải đối mặt với lạm phát phi mã. Tất nhiên, vàng cũng như các loại tài sản cố định khác, sẽ có xu hướng giữ được giá trị của mình trong giai đoạn lạm phát phi mã này.

Thực tế cho thấy, lạm phát đang quay trở lại và các nhà đầu tư cần sẵn sàng cho các kịch bản đầu tư của mình. Dù vàng là một tài sản mà mọi người đều muốn sở hữu để đa dạng hóa danh mục đầu tư, song nắm giữ vàng để phòng vệ lạm phát luôn tồn tại những rủi ro nhất định. Do đó, các nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc một số phương thức phòng vệ lạm phát khác như cổ phiếu và trái phiếu chính phủ.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục