Dịch vụ công cộng cơ bản, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ về... hối lộ

(ĐTCK) Hơn 1 trong 4 người tại châu Á đã trả các khoản hối lộ để nhận được các dịch vụ công cộng cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, theo khảo sát gần đây bởi tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International).
Dịch vụ công cộng cơ bản, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ về... hối lộ

Khảo sát được thực hiện tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á – Thái Bình Dương, với kết quả cho thấy, khoảng 900 triệu người đã trả các khoản hối lộ trong năm ngoái để nhận được các dịch vụ công cộng cơ bản.

Ấn Độ là quốc gia tệ nhất, với gần 70% những người tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện việc đút lót. Việt Nam là quốc gia tiếp theo, với tỷ lệ 65%, theo sau là Thái Lan, Pakistan, Campuchia và Myanmar.

Dịch vụ công cộng cơ bản, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ về... hối lộ ảnh 1

 Việt Nam xếp thứ hai sau Ấn Độ

Một con số gây ngạc nhiên là chỉ 26% người Trung Quốc tham gia khảo sát cho biết họ từng phải hối lộ. Tuy nhiên, 73% số người này nhận xét tình trạng tham nhũng đã tăng mạnh trong năm qua, mức cao nhất trong số các quốc gia có mặt trong khảo sát.

Cũng theo nghiên cứu này, cảnh sát là lực lượng bị xem là nhận hối lộ nhiều nhất, với tỷ lệ gần 2 trong 5 người trả lời khảo sát cho biết các nhân viên cảnh sát là đối tượng đa phần hoặc toàn bộ đều nhận đút lót.

Kết quả này cũng phù hợp với việc gần 1/3 số người tham gia khảo sát cho biết việc hối lộ có liên quan tới cảnh sát nhằm “nhận được hỗ trợ hoặc tránh các khoản phạt”. Theo sau cảnh sát là nhóm luật sư, quan chức chính phủ và quan chức địa phương.

Dịch vụ công cộng cơ bản, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ về... hối lộ ảnh 2

 Tỷ lệ những người nghĩ tham nhũng đã tăng trong năm qua tại các quốc gia

“Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần đạt được sự phát triển bền vững và ổn đinh. Điều này chỉ có thể xảy ra bằng cách đảm bảo lĩnh vực dịch vụ công cộng cung cấp các dịch vụ tốt. Việc nhận hối lộ xói mòn nỗ lực phát triển, bóp méo quá trình dân chủ và cổ vũ cho những lợi ích cá nhân thay vì lợi ích cộng đồng... Các chính phủ cần tiến hành các cam kết chống tham nhũng rộng rãi, bằng biện pháp chính sách và thực tiễn hành động tại quốc gia”, nghiên cứu trên cho biết.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International là một tổ chức phi chính phủ độc lập hoạt động trong lĩnh vực chống tham nhũng. Trụ sở của Tổ chức đặt tại Berlin, Đức và có chi nhánh tại hơn 100 quốc gia khác.

Lam Phong (Theo Nikkei Asian Review)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục