Giá dầu nhảy vọt sau thỏa thuận của OPEC

(ĐTCK) Dù có chút mâu thuẫn trước cuộc họp, nhưng cuối cùng, các nước thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008, giúp giá dầu thô nhảy vọt 10% trong phiên thứ Tư.
OPEC đã quyết định cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong cuộc họp vừa diễn ra tại Vienna (Ảnh: AFP) OPEC đã quyết định cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong cuộc họp vừa diễn ra tại Vienna (Ảnh: AFP)

Sự khởi sắc của giá dầu thô sau quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC, giúp nhóm cổ phiếu năng lượng thăng hóa theo. Chỉ số S&P năng lượng trong phiên này tăng tới 4,8%.

Ngoài nhóm cổ phiếu năng lượng, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng khởi sắc sau khi Steven Mnuchin, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump cho biết, giảm thuế và đàm phán lại các hiệp ước thương mại là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới.

Tuy nhiên, phố Wall không thể khởi sắc, mà chủ yếu lình xình sát mốc tham chiếu trong suốt phiên, thậm chí còn yếu đà dần về cuối phiên do tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu tiện ích và đặc biệt là công nghệ, những ngành bị ảnh hưởng tiêu cực khi lãi suất tăng.  

Khả năng Fed tăng lãi suất gần như là chắc chắn với các dữ liệu kinh tế tích cực vừa công bố hôm thứ Tư. Cụ thể, bảng lương trong khu vực tư nhân (ADP) của Mỹ trong tháng 10 tăng thêm 216.000 việc làm, tốt hơn rất nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Ngoài ra, cuộc điều tra về ISM của Chicago cũng rất lạc quan.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Dow tăng 1,98 điểm (+0,01%), lên 19.123,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,85 điểm (-0,27%), xuống 2.198,81 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 56,24 điểm (-1,05%), xuống 5.323,68 điểm.

Phản ứng tích cực sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã giúp phố Wall có tháng phục hồi đồng đều của cả 3 chỉ số chính sau 3 tháng giảm nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tháng 11, chỉ số Dow Jones tăng tới 5,41% sau khi giảm 1,58% trong 3 tháng trước, chỉ số S&P 500 cũng tăng 3,42% sau khi giảm 2,19% trong 3 tháng trước và chỉ số Nasdaq tăng 2,59% sau khi để mất 2,31% tháng trước (trong 2 tháng 9 và 8, Nasdaq đều tăng khá tốt).

Tương tự, sự khởi sắc của giá dầu cũng giúp chỉ số dầu và khí đốt châu Âu tăng mạnh 3,4% trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, không chịu áp lực quá mạnh từ nhóm cổ phiếu công nghệ như chứng khoán Mỹ, các chỉ số chứng khoán châu Âu duy trì được đà tăng trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất trong 3 tuần.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,79 điểm (+0,17%), lên 6.783,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,81 điểm (+0,19%), lên 10.640,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 26,88 điểm (+0,59%), lên 4.578,34 điểm.

Trong khi đó, dù cũng có những phiên phản ứng tích cực hậu bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng ngoại trừ chứng khoán Pháp duy trì đà tăng trong tháng 11, còn lại đều quay đầu giảm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 2,45%, chỉ số DAX giảm 0,23%, còn chỉ số CAC 40 tăng 1,53%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chờ đợi cuộc họp của OPEC khiến chứng khoán Nhật Bản gần như đi ngang và kết thúc phiên không mấy thay đổi. Chứng khoán Hồng Kông có mức tăng nhẹ nhờ phản ứng tích cực với phiên giao dịch trước đó của phố Wall, nhưng cũng như chứng khoán Nhật Bản, chờ đợi cuộc họp của OPEC khiến chứng khoán Hồng Kông không thể bứt lên.

Trong khi đó, sau chuỗi tăng ấn tượng nhờ sự hỗ trợ của các bluechip, áp lực chốt lời đã khiến chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,44 điểm (+0,08%), lên 18.308,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 52,7 điểm (+0,23%), lên 22.789,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 32,89 điểm (-1,00%), xuống 3.250,03 điểm.

Việc đồng yên yếu hơn đồng USD giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong tháng11 với chỉ số Nikkei 225 tăng 5,07%, sau khi tăng 5,93% trong tháng trước, trong khi đó, chỉ số Hang Seng giảm nhẹ 0,63%,sau khi cũng mất 1,56% trong tháng 10. Tương tự chứng khoán Nhật Bản, dù điều chỉnh khá mạnh phiên cuối tháng, nhưng chỉ số Shanghai Composite cũng tăng 4,82% trong tháng 11 sau khi đã tăng 3,16% trong tháng trước.

Bất chấp giá dầu thô nhảy vọt, nhưng những dữ liệu tích cực của Mỹ vừa công bố, củng cố khả năng Fed tăng lãi suất, khiến đồng USD tăng trở lại đã đẩy giá vàng rơi mạnh trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất hơn 10 tháng.

Kết thúc phiên 30/11, giá vàng giao ngay giảm 14,9 USD (-1,25%), xuống 1.173,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 17,1 USD (-1,44%), xuống 1.170,8 USD/ounce.

Việc đồng USD tăng mạnh đã khiến giá vàng có tháng giao dịch tồi tệ với tháng giảm mạnh nhất trong năm khi giá vàng giao ngay giảm 8,14% và giá vàng giao tương lai giảm 8,04% trong tháng 11.

Đã có những nghi ngờ về khả năng OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, khi mẫu thuẫn giữa Iran, Iraq và Ả Rập Xê út xảy ra trước cuộc họp 1 ngày. Chính nghi ngờ này đã khiến giá dầu thô giảm gần 4% trong phiên thứ Ba và gần như lình xình quanh mức giá đóng cửa của phiên trước trong suốt phiên châu Á để chờ đợi cuộc họp của OPEC đang diễn ra tại Vienna (Áo). Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi kết thúc cuộc họp, OPEC - tổ chức cung cấp 1/3 sản lượng dầu mỏ thế giới đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, để đưa sản lượng từ 33,64 triệu thùng/ngày, xuống 33,5 triệu thùng/ngày. Đây là thỏa thuận chính thức sau thỏa thuận sơ bộ đạt được tại cuộc họp tháng 9 tại Algeria. Đây cũng là thỏa thuận chính thức đầu tiên về cắt giảm sản lượng của OPEC kể từ năm 2008.

Để đạt được thỏa thuận này, Ả Rập Xê út, thành viên lớn nhất của OPEC cho biết, đã đồng ý cắt giảm 500.000 thùng/ngày, xuống 10,06 triệu thùng/ngày; Iraq thành viên lớn thứ 2 đồng ý cắt giảm 200.000 thùng/ngày, xuống 4,351 triệu thùng/ngày, trong khi Iran được cho phép duy trì mức sản xuất như tháng 10. Đây được coi là một thắng lợi của Tehran khi vừa trở lại và cần giành lại thị phần đã mất trong thời gian bị cấm vận.

Trong khi đó, Nga, nước không thuộc OPEC lâu nay đã đẩy sản lượng lên mức kỷ lục cũng đồng ý cắt giảm 300.000 thùng/ngày. OPEC sẽ gặp gỡ với các nhà sản xuất ngoài tổ chức vào ngày 9/12 tới để thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng này.

Sau thông tin không thể tốt hơn trên, giá dầu thô đã nhảy vọt dựng đứng, vượt qua mốc 50 USD/thùng, tăng hơn 10%, mức tăng lớn nhất trong 1 phiên kể từ tháng 2. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, giá dầu thô khó có khả năng vọt hơn nữa và đúng là khi vừa qua ngưỡng 50 USD, giá dầu đã bị chững lại và thoái lui nhẹ.

Kết thúc phiên 30/11, giá dầu thô Mỹ tăng 4,21 USD/thùng (+9,31%), lên 49,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 4,09 USD (+8,82%), lên 50,47 USD/thùng.

Phiên khởi sắc cuối tháng đã cứu giá dầu thô tránh khỏi tháng giảm giá, thậm chí còn giúp nhiên liệu này có tháng tăng ấn tượng với mức tăng 5,51% của dầu thô Mỹ và 4,49% của giá dầu thô Brent sau khi giảm 2,86% và 1,55% trong tháng 10.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục