Không thể phủ nhận, sự lạc quan của giới đầu tư và thị trường “vàng đen” là có cơ sở nhất định. Iraq đã gửi 3 đề xuất tới các nước thành viên OPEC, trong đó thể hiện sự sẵn sàng đàm phán về vấn đề sản lượng, sau nhiều tuần tranh cãi về dữ liệu sản lượng dầu mỏ của nước này.
Mặc dù chi tiết của các đề xuất này được giữ kín, song các quan chức Iraq đã cho thấy sự hợp tác rõ nét hơn thông qua tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Jabbar al-Luaibi: “Nhu cầu chính đáng của Iraq không nên được coi là trở ngại để tiến tới một thỏa thuận đóng băng sản lượng. Chúng tôi lạc quan về việc có thể đạt được một thỏa thuận công bằng, phù hợp với lợi ích của tất cả các nước thành viên”.
Bên cạnh đó, các quan chức dầu mỏ từ Iran, Nigeria và thậm chí là từ Nga (nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt không nằm trong OPEC), cũng phát đi những tín hiệu tích cực về triển vọng đạt được sự đồng thuận chung về cắt giảm sản lượng.
Có thể nói, ít nhất OPEC một lần nữa thu được thành công nhất định trong việc kéo giá dầu lên. Trong báo cáo nghiên cứu thị trường dầu mỏ công bố đầu tuần này, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs khẳng định sự tự tin lớn về triển vọng giá dầu mỏ. Những dấu hiệu khả quan của giá “vàng đen” khiến ngân hàng đầu tư này quyết định điều chỉnh nâng dự báo triển vọng giá dầu mỏ lên ngưỡng trung bình 55 USD/thùng trong nửa đầu năm 2017, tăng mạnh so với mức dự đoán từ 45-50 USD/thùng đưa ra trước đó.
Trong trường hợp OPEC đạt được thỏa thuận cuối cùng liên quan đến vấn đề cắt giảm sản lượng, giá dầu có thể vượt ngưỡng 50 USD/thùng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, sự lạc quan đó không hoàn toàn được phản ánh trên thị trường dầu mỏ tương lai (thị trường giao sau). Các nhà phân tích thị trường hàng hóa của hãng tin Reuters lưu ý rằng, đường cong của thị trường dầu mỏ tương lai vẫn chưa vận động tích cực. Những hợp đồng dầu mỏ có kỳ hạn dài hiện vẫn có mức giá thấp hơn nhiều so với giá dầu giao ngay. Đây là một dấu hiệu cho thấy, thị trường vẫn hoài nghi về khả năng tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ sẽ tiếp diễn thời gian tới.
Trên thực tế, sự khác biệt giữa giá dầu giao ngay và giao sau 6 tháng có cách biệt thậm chí còn lớn hơn giai đoạn tháng 9/2016, thời điểm OPEC đạt được thỏa thuận sơ bộ về hạn ngạch sản lượng giữa các nước thành viên.
Trong trường hợp OPEC đạt được thỏa thuận cuối cùng liên quan đến vấn đề cắt giảm sản lượng, giá dầu có thể vượt ngưỡng 50 USD/thùng trong ngắn hạn. Mức giá này giúp thúc đẩy các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ tăng sản lượng. Khi đó, nhiều khả năng thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng dư cung.
Một điểm cần lưu ý khác là OPEC có thể đạt được một số đồng thuận, song chi tiết của thỏa thuận mới là điểm đáng quan tâm. OPEC hiện sản xuất nhiều hơn ít nhất 236.000 thùng dầu/ngày so với tháng 9/2016.
Điều đó có ý nghĩa rằng, thay vì chỉ cần cắt giảm từ 200.000-700.000 thùng/ngày, OPEC thậm chí sẽ phải cắt giảm mạnh tay hơn nữa, từ 600.000-1,1 triệu thùng/ngày, mới có thể đạt được mục tiêu đưa sản lượng xuống ngưỡng 32,5-33 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng, OPEC đang thảo luận về một thỏa thuận chỉ có giá trị trong 6 tháng, thay vì 1 năm. Ý tưởng đó sẽ giúp giảm bớt “sự hy sinh” sản lượng cho các nước thành viên, song là những nỗ lực chưa đủ tầm để giúp tái cân bằng thị trường “vàng đen” khi thỏa thuận đó hết thời gian hiệu lực.
Vì vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, một khi OPEC chưa thực sự tiến tới một thỏa thuận cắt giảm sản lượng có tính chất ràng buộc rõ ràng, thì những xung lực giúp kéo giá dầu lên như hiện nay chỉ có tác động tâm lý và tạm thời.