F0 tiếp sức cho quý cuối sôi động

(ĐTCK) Dòng tiền của các nhà đầu tư mới (F0) tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán khi kênh đầu tư này đang thể hiện khả năng sinh lời từng ngày, từng giờ.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng.

Tài khoản mở mới tỷ lệ thuận với thanh khoản

Trong tháng 9 có 31.418 tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân được mở mới, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 252.026 tài khoản, cao hơn 34% lượng tài khoản mở mới của cả năm 2019 (180.000 tài khoản).

Số lượng tài khoản tăng kéo theo giao dịch tăng khiến thị trường ngày càng trở nên sôi động. Khối lượng giao dịch trung bình trên 2 sàn HOSE và HNX trong 2 quý II và III tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 4 tới nay đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân đến kênh đầu tư này.

Trong khi chỉ số VN-Index từ đầu tháng 4 đến nay tăng trên 40%, không ít cổ phiếu có mức tăng giá mạnh hơn, thì nhiều kênh đầu tư khác dần trở nên kém hấp dẫn.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhìn nhận, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp, kênh đầu tư vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đang biến động khó lường ở vùng giá cao, kênh bất động sản thanh khoản suy yếu do tác động của dịch Covid-19, kênh trái phiếu doanh nghiệp mới đây chịu tác động từ động thái quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý…

“Trong ngắn hạn, cụ thể là quý IV/2020, những mối quan hệ tương quan này về cơ bản sẽ chưa thay đổi và như vậy, tôi kỳ vọng dòng tiền F0 vẫn là yếu tố đóng vai trò hỗ trợ cho thanh khoản của thị trường chứng khoán”, ông Hoàn nhận định.

Theo nhiều công ty chứng khoán, dòng tiền F0 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm khi một số yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường tốt dần lên.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô quý IV được dự báo sẽ khởi sắc, một phần nhờ đầu tư công được đẩy mạnh; lãi suất điều hành duy trì ở mức thấp sẽ giúp tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP tốt hơn vào các tháng cuối năm…

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, hiện tại, điểm số chứng khoán chưa đến mức cao để phải cảnh báo rủi ro gia tăng mà ngược lại, thị trường vẫn phản ánh tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.

Trong các kênh đầu tư thì cổ phiếu đang được coi là thích hợp nhất bởi dễ tham gia và phù hợp với mọi quy mô vốn.

Niềm tin của nhà đầu tư đang cao. Nếu khối nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng thì thị trường sẽ tăng tốc sớm hơn.

Chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành công nghệ, tài nguyên cơ bản, ngân hàng, xây dựng vẫn đang “ăn nên làm ra”, nên cơ hội đầu tư vào cổ phiếu vẫn hiện hữu. Ngoài ra, các sản phẩm phái sinh cũng hứa hẹn là kênh đầu tư hấp dẫn.

“Trong ngắn hạn, VN-Index có thể điều chỉnh quanh khu vực 940 điểm, nhưng sẽ chinh phục các điểm cao mới. Chỉ số có thể đạt 960 điểm, tiến lên 980 điểm, thậm chí 1.000 điểm trong quý IV. Đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị tiếp tục lên ngôi”, ông Khánh dự báo.

Coi chừng “say sóng”

Thực tế, không ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường với tâm thế muốn kiếm lợi nhuận nhanh thông qua hoạt động “lướt sóng”, trong khi chưa kịp trang bị những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết. Dù các yếu tố vĩ mô hiện tại ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường trong dài hạn, nhưng biến động trong ngắn và trung hạn là khó lường, tiềm ẩn rủi ro.

Những năm qua, thị trường có nhiều con sóng giúp nhà đầu tư lãi lớn trong thời gian ngắn, nhưng khi thị trường điều chỉnh giảm thì không nhiều nhà đầu tư giữ được lợi nhuận, đa số bị âm vào vốn.

Theo KBSV, đây là một trong những lý do Công ty triển khai chương trình KB Training nhằm trang bị cho nhà đầu tư những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, gia tăng khả năng dự báo cũng như quản trị rủi ro để có thể phản ứng thích hợp trước những biến động của thị trường.

Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, dòng tiền F0 giúp thị trường đi lên mạnh mẽ từ tháng 3 đến lúc này và điều này diễn ra trên toàn thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam.

Khi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì dòng vốn thông minh dịch chuyển sang đầu tư vào những tài sản “lỏng” (thanh khoản), trong các kênh đầu tư thì cổ phiếu thích hợp nhất bởi dễ tham gia và phù hợp với mọi quy mô vốn.

Thị trường tăng càng cao thì rủi ro càng lớn, F0 là nhóm nhà đầu tư đang chiến thắng, nếu “say sóng”, tăng tốc đầu tư thì một khoản lỗ có thể lấy đi vài khoản lãi. Trường hợp nhà đầu tư không sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và không đầu tư thêm vốn vào thời điểm này thì kể cả khi thị trường điều chỉnh cũng sẽ không rơi vào tình trạng mất lãi.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó giám đốc phụ trách, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Mặt bằng lãi suất ở mức thấp tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán thu hút dòng tiền đầu tư.

Lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm do nhu cầu tín dụng giảm cũng như nhiều chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước như Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình được giãn thêm 1 năm so với quy định cũ.

Trong khi đó, các kênh đầu tư khác hiện chưa hấp dẫn đầu tư. Thị trường bất động sản vẫn đang trầm lắng trước tác động từ Covid-19. Theo số liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý III/2020, giao dịch trên toàn thị trường đạt 26.299/73.933 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ ở mức 35,5%.

Đặc biệt, kinh tế Việt Nam được đánh giá hồi phục nhanh hàng đầu thế giới. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 10 của IMF nhận định, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong nhóm ASEAN-5 (bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam) duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm 2020 khi Covid-19 hoành hành với mức tăng 1,6% và sẽ đột phá lên mức 6,7% vào năm 2021.

Đà tăng của thị trường chứng khoán liên quan mật thiết đến tiến trình hồi phục kinh tế. Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng như nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tiếp tục giúp thị trường có diễn biến tích cực

Trong ngắn hạn, thị trường đang đón nhận báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp. Theo đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực, hưởng lợi từ đầu tư công, cổ phiếu thuộc nhóm VN30, hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu, xây dựng, hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp… có thể tiếp tục thu hút dòng tiền.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Agriseco

Phiên 14/10 ghi nhận giá trị giao dịch hơn 14.000 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận thì giá trị đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, vẫn là một con số lớn.

Xét cả giai đoạn đi lên khá dài vừa qua, khi lãi suất xuống thấp, các kênh đầu tư khác không có nhiều biến động thì cổ phiếu và trái phiếu thu hút dòng tiền.

Hiện tại, dòng tiền vẫn đang xoay quanh kênh chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp dự kiến kéo dài, kinh tế kỳ vọng hồi phục mạnh.

Thanh khoản tăng một phần do hành động bán ra chốt lời. Tuy nhiên, để kết luận thị trường chung bước vào giai đoạn “phân phối” hay chưa thì vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu, bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn duy trì diễn biến tích cực.

Trong ngắn hạn, thị trường có khả năng biến động mạnh vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 với các thông tin về kết quả kinh doanh, bầu cử Tổng thống Mỹ, dịch bệnh tại châu Âu…

Còn giai đoạn cuối năm và đầu năm sau, tôi cho rằng, thị trường sẽ tích cực và ổn định hơn khi các nền kinh tế cùng hồi phục, dòng tiền khối ngoại có thể quay trở lại.

Hải vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục