Dệt may đang được kích hoạt mạnh nhờ vốn ngoại

Lễ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD của Tập đoàn Esquel (Hồng Kông) tại Khu công nghiệp Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) diễn ra hôm nay (19/3/2014).  Việc nâng tổng số nhà máy của Esquel  lên con số 3, chính thức đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô của nhà đầu tư này tại thị trường Việt Nam.
Dệt may đang được kích hoạt mạnh nhờ vốn ngoại

Từ 11 năm trước, Tập đoàn Esquel đã sớm bước chân vào hoạt động trong ngành dệt may tại Việt Nam, với nhà máy đầu tiên đặt tại Bình Dương, không lâu sau đó, nhà máy thứ 2 (chuyên gia công cho các thương hiệu Nike, Tommy Hilfiger, Hugo Boss, Polo…) được cấp phép xây dựng tại Đồng Nai,

Sớm nhận thấy những thuận lợi trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, đặc biệt là cơ hội tăng tốc xuất khẩu khi Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại lớn, tháng 7/2012, Esquel đã khỏi công nhà máy thứ 3 tại Hòa Bình và sau gần 2 năm xây dựng, nhà máy này đã đi vào sản xuất.

Nhà máy mới được đưa vào vận hành sẽ nâng tổng doanh thu từ xuất khẩu của Tập đoàn lên mức 200 triệu USD/năm, tổng số lao động chạm ngưỡng 10.000 người. Đáng lưu ý, đây cũng là một trong những nhà máy đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng đạt chuẩn LEED (tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng), đồng thời áp dụng phương thức sản xuất tinh gọn (LEAN) trong ngành dệt may.

Tổng giám đốc Tập đoàn Esquel, ông  John Cheh  cho biết, Esquel luôn coi việc đầu tư vào Việt Nam là hoạt động lâu dài, mang tính chiến lược, chứ không chỉ là một khoản đầu tư cơ hội để đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Do vậy, bất chấp những biến động trong tương quan tại các cuộc đàm phán TPP, Tập đoàn vẫn quyết tâm triển khai các kế hoạch dài hạn về chuẩn bị và phát triển nguồn nhân lực, để đảm đương việc mở rộng hoạt động của Tập đoàn trong tương lai.

Cùng với việc mở rộng đầu tư của Esquel, hàng loạt dự án mới được cấp phép xây dựng nhà máy đã cho thấy, hoạt động đầu tư vào ngành dệt may nước ta từ đầu năm 2014 đến nay khá sôi động.

Mới đây, Công ty TNHH Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đã được tỉnh Nam Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp Nam Định, Tập đoàn Yulun sẽ xây dựng Nhà máy trên diện tích 8 ha, với công suất 9.816 tấn/năm, dệt 21,6 triệu mét/năm, nhuộm 24 triệu mét/năm, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2016.

Với thuế suất về 0% thay cho mức trung bình 17% hiện tại, hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ (thị trường chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam), được xem là cơ hội rất lớn với các doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu, điển hình như Esquel và nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam như  Công ty TNHH Poong In Vina, Công ty TNHH Hansae Việt Nam, Công ty TNHH Hansoll Vina (HSV), Công ty TNHH

Vina Korea….

Sự nhanh nhạy của các nhà đầu tư nước ngoài với ngành dệt may Việt Nam càng được minh chứng rõ hơn, khi thông tin từ Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), một DN Trung Quốc khác là Công ty Gain Lucky Ltd. thuộc Tập đoàn Shenzhou International, chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Puma... mới đây cam kết đầu tư 140 triệu USD vào TP.HCM.

Còn Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) đã cam kết đầu tư 50 triệu USD để thực hiện một dự án khép kín từ khâu dệt vải, nhuộm, hoàn tất đến may mặc sản phẩm chuyên dụng cao cấp. Nhà máy được đặt tại Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP.HCM), dự kiến tạo việc làm cho gần 3.600 lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đặng Phương Dung, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, điểm nghẽn trong thu hút vốn FDI vào lĩnh vực dệt nhuộm là sự thiếu hụt về nguồn vốn, kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực “có vẻ như đang dần được tháo nút”.

Việc tháo nút thắt đó sẽ chấm dứt hiện tượng đầu tư  theo phương thức “mỳ ăn liền” của các nhiều nhà đầu tư nước ngoài, khi lâu nay thường lựa chọn hướng đi an toàn hơn bằng cách đầu tư các nhà máy may, với vốn đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh so với vốn đầu tư các nhà máy dệt, nhuộm tối thiểu từ 15-20 triệu USD.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, với 65% nguyên phụ liệu đang phải nhập khẩu và riêng năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu bông, xơ sợi, vải, phụ liệu trên 13 tỷ USD, trong đó xuất khẩu dệt may đạt 20 tỷ USD, vì vậy, cùng với sự biến đổi đó, rất có thể chỉ trong một thời gian ngắn trước mắt, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may Việt Nam sẽ có những cải thiện theo hướng tích cực.       

Hải Yến(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục