Từ ngày 1/1/2014, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng GSP mới cho các sản phẩm Việt Nam. Mục đích của chương trình này là hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thông qua việc giảm thuế cho hàng hóa của Việt Nam khi nhập khẩu vào EU.
Trong số các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU, thì da giày, túi sách, dệt may… được đánh giá sẽ được hưởng lợi nhất từ GSP, với mức giảm thuế nhập khẩu là 3,5% và thời hạn được hưởng là từ 2014 - 2016.
Việc được hưởng ưu đãi thuế quan trên thị trường EU tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, khi đối thủ cạnh tranh chính tại EU là các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị áp thuế Tối huệ quốc MFN (hơn GSP trung bình 3,5%).
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Quy chế GSP mới, cơ hội tăng cường xuất khẩu vào EU” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Dự án MUTRAP và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần May 10 cho rằng, lợi thế cạnh tranh do GSP mang lại không bền vững, vì có thời hạn áp dụng, hay nói cách khác, đây chỉ là là lợi thế ngoại sinh, không phải là lợi thế nội sinh.
Muốn đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ nguyên liệu để xin C/O form A, doanh nghiệp phải có xuất xứ toàn bộ, tức là chủ động được hoàn toàn nguyên phụ liệu và sản phẩm phải có thành phần nguyên liệu nhập từ các nước EU, hoặc từ các nước được ưu đãi như Thái Lan, Malaysia. “Với thực tế nhập khẩu hầu hết nguyên liệu từ Trung Quốc, thì nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước khó đáp ứng được yêu cầu này của EU”, ông Việt nhấn mạnh.
Khác với dệt may, ngành da giày đang kỳ vọng nhiều hơn vào GSP mới. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi sách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, GSP có tác động tích cực đối với giày dép xuất khẩu Việt Nam. Với mức thuế nhập khẩu giảm (3,5% đối với các sản phẩm nhạy cảm và 0% với sản phẩm không nhạy cảm), sản phẩm giày dép Việt Nam sẽ tăng đáng kể năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam mở rộng thị phần tại EU. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài từ EU và các nước khác vào sản xuất giày tại Việt Nam cũng sẽ tăng nhanh để tận dụng cơ hội giảm thuế.
Tuy nhiên, ngành da giày vẫn còn quá nhiều vấn đề cần lưu ý khi thực hiện quy định GSP lần này của EU. Trước hết, việc Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU khi có GSP có thể khiến các nước sản xuất giày tại EU lo ngại mất thị trường và tạo áp lực buộc EU tăng các biện pháp bảo hộ và áp đặt thêm các rào cản phi thuế quan mới.
Chưa kể, tỷ lệ xem xét cơ chế “trưởng thành” của EU (không được hưởng GSP nữa) hiện là 17,5%, nhưng thực tế xuất khẩu giày dép Việt Nam đang ở mức khá cao và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Rõ ràng, GSP không hoàn toàn là “miếng bánh ngon”, bởi sự chặt chẽ và tính nghiêm ngặt của quy định này. Gốc rễ của câu chuyện nâng cao khả năng cạnh tranh và lợi thế với cả ngành dệt may và da giày vẫn là câu chuyện tận dụng, liên kết các nguồn vốn đầu tư để trực tiếp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.