Năm 2014 được ngành dệt may Việt Nam xác định là một năm có nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh sôi động, với mục tiêu là tận dụng tốt những cơ hội xuất khẩu mà ngành đang có.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vào ngày 7/2, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã khởi công xây dựng Dự án Nhà máy May Vinatex Kiên Giang, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng.
Với tổng diện tích 36.500 m2 tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), Dự án Nhà máy May Vinatex Kiên Giang được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1, nhà máy có 8 dây chuyền sản xuất veston và 7 dây chuyền may quần âu, tạo 1.000 chỗ làm. Trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ nâng quy mô lên 18 dây chuyền may veston, 16 dây chuyền may quần, tạo 2.225 việc làm cho người lao động. Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ có doanh thu 200 tỷ đồng.
Đây là một trong số các dự án nằm trong kế hoạch tăng tốc đầu tư của Vinatex nhằm thực hiện mục tiêu đạt 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2016 và chuẩn bị nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết ngay trong năm nay.
Ngành dệt may đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tăng hơn 10% so với con số 20,5 tỷ USD của năm 2013. Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2014, ngành dệt may đứng trước nhiều cơ hội lớn, đặc biệt xuất khẩu vào các nước thành viên TPP, vốn đang chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may.
Với việc khởi động các dự án đầu tư ngay từ đầu năm, nhanh chóng mở rộng quy mô tiếp nhận đơn hàng, cộng với nền tảng uy tín, chất lượng sản phẩm, đối tác… đã có, cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu của các DN dệt may là khá hiện thực.
Cùng với dệt may, ngành da giày cũng được nhận định có nhiều lợi thế khi Việt Nam tham gia “sân chơi” TPP. Chính vì vậy, các DN da giày cũng tích cực huy động nguồn lực để triển khai nhiều dự án đầu tư lớn.
Cuối tuần qua, Tập đoàn Thái Bình - TBS Group (Bình Dương) đã khởi công Dự án Nhà máy Giày TBS Kiên Giang, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Dự kiến, trong năm 2015, Nhà máy Giày TBS Kiên Giang sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức đi vào sản xuất, với quy mô khoảng 5 triệu đôi giày/năm.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group cho biết, ngoài việc đón đầu cơ hội xuất khẩu, thì việc đầu tư của DN ngành da giày còn nhằm thực hiện chính sách “Ly nông bất ly hương” của Đảng và Nhà nước, đưa người lao động nông thôn vào sản xuất công nghiệp ngay tại quê nhà, tạo việc làm tại chỗ.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong năm 2014, ngành da - giày - túi xách đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 11,33 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 9,3 tỷ USD, túi xách đạt 2,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013.
Cũng trong ngày đầu ra quân sau kỳ nghỉ Tết, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã khởi công xây dựng Nhà máy Bia Sài Gòn - Kiên Giang, công suất 50 triệu lít/năm, với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án đầu tư trọng điểm trong năm nay của Sabeco nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bia tại khu vực miền Tây. Dự kiến, sau 12 tháng xây dựng, nhà máy sẽ đi vào hoạt động và đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 250 tỷ đồng/năm.
Động thái gia tăng đầu tư của một số DN ngành công nghiệp trong những ngày đầu năm còn cho thấy cái nhìn tích cực của cộng đồng DN về triển vọng sản xuất - kinh doanh năm 2014. Điều này cũng khá trùng khớp với kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi có tới 42,5% DN được khảo sát cho biết, trong năm 2014, sẽ mở rộng quy mô kinh doanh; chỉ có 6,7% DN có thể giảm quy mô kinh doanh; 0,1% DN có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động và 50,7% DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh.