Xuất khẩu dệt may vượt 1 tỷ USD

Kết thúc năm 2013, với tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi và hàng dệt may vượt 20 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu hơn 1 tỷ USD, dệt may Việt Nam tiếp tục đứng đầu trong số các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đạt giá trị xuất khẩu cao nhất.
Xuất khẩu dệt may vượt 1 tỷ USD

Trong đó, dệt may, xơ sợi đạt 19,7 tỷ USD, tăng 18%, nguyên phụ liệu đạt 700 triệu USD.

Ngành dệt may cũng duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn tại nhiều thị trường trọng điểm là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Đơn cử, trong năm qua, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ chỉ tăng 3%, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng 13%. Kết thúc năm 2013, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này đạt trên 8 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, kết quả trên cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua được khó khăn nhờ những bước đi đúng đắn, năng lực cạnh tranh tốt, phát triển thị trường ngách hợp lý và đã chiếm lĩnh được thị phần tại những thị trường xuất khẩu quan trọng.

“Việc dự báo đúng sức mua, xu hướng thị trường năm nay đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, chuẩn bị đón lõng thị trường, thỏa mãn khách hàng và cung ứng kịp thời, nhằm gia tăng sự hấp dẫn của ngành dệt may Việt Nam với khách hàng lớn”, ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, tăng trưởng của ngành dệt may năm 2013 có sự đóng góp rất lớn của các thành phần doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư, góp phần làm gia tăng quy mô sản xuất của toàn ngành. Mặc dù gặp không ít khó khăn về vốn, sức mua thị trường dệt may thế giới chưa hồi phục, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.

Kết thúc năm 2013, Công ty cổ phần Dệt may Huế (Huegatex) đạt doanh thu 1.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 66 triệu USD, tăng 10% và lợi nhuận đạt 35 tỷ đồng. Ông Hồ Văn Diện, Phó tổng giám đốc Huegatex cho biết, dù tình hình thị trường không ổn định, chi phí đầu vào gia tăng, nhưng Công ty vẫn đầu tư 50 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng công suất nhà máy, nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội cũng có hoạt động đầu tư khá sôi động trong năm qua, khi đưa vào hoạt động Dự án Nhà máy sợi Đồng Văn (Hà Nam), với tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng, công suất 30.000 cọc sợi. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2013, tính đến cuối năm, Nhà máy đã xuất khẩu 100 tấn sợi, đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu 1.900 tỷ đồng của Tổng công ty trong năm 2013.

Lãnh đạo Vitas cho rằng, kết quả sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đạt được trong năm 2013 sẽ là động lực để các doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu mặt hàng cho phù hợp với từng thị trường và tăng tốc trong năm 2014. Hiện một số doanh nghiệp dệt may đã xây dựng lộ trình cũng như phương án sản xuất theo hướng giảm dần tỷ lệ gia công, sản xuất hàng FOB, ODM để chuẩn bị cho việc tham gia TPP, thông qua việc đổi mới công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp dệt, nhuộm, hoàn tất và thiết kế.

>>Được, mất từ TPP đều do Việt Nam

>>Dệt may toan tính với bài toán TPP

 

Hải Yến(baodautu.vn)
Hải Yến(baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục