Để cao tốc “nuôi” cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
Việc đa số đại biểu Quốc hội, khi tham gia thảo luận tại nghị trường vào đầu tuần này, tán thành quy định về thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư trong Dự thảo Luật Đường bộ, đã mở ra cơ hội lớn để các tuyến cao tốc có thể tự “nuôi” mình.
Để cao tốc “nuôi” cao tốc

Tại Điều 50, Dự thảo Luật Đường bộ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, bao gồm đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

Cần phải nói thêm rằng, chủ trương thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nghiên cứu từ 3 đến 4 năm trước, ngay khi những phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công còn đang trong giai đoạn thi công. Song vì một số lý do, nên đến nay, chủ trương thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư mới thực sự chín muồi.

Thực tiễn quá trình đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của Việt Nam cùng kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, các vùng và cả nước; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh và xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành, bảo trì rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, thì nhu cầu các nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng (tương đương 80.000 tỷ đồng/năm), trong khi mỗi năm, Chính phủ chỉ có thể cân đối tối đa khoảng 25.000 tỷ đồng tiền vốn. Bên cạnh đó, khi các công trình đường cao tốc được đưa vào khai thác, thì cần duy trì nguồn kinh phí hàng năm đủ và kịp thời cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì. Tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì trong giai đoạn 2021 - 2025 là 9.067 tỷ đồng, bình quân 1.813 tỷ đồng/năm.

Như vậy, nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư xây dựng mới và quản lý vận hành, bảo trì các tuyến đường cao tốc trong thời gian tới là rất lớn. Do đó, việc tạo nguồn cho đầu tư phát triển cao tốc là hết sức cần thiết.

Tại một số nước có hệ thống đường bộ cao tốc phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc..., mạng lưới đường bộ cao tốc hiện được tổ chức thu hồi vốn để có nguồn cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì và tái đầu tư.

Chính vì vậy, việc triển khai nghiên cứu xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư cần được quan tâm. Mặt khác, việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư còn tạo sự công bằng, hợp lý với những tuyến cao tốc đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, nhằm thu hút thêm doanh nghiệp tham gia.

Để chủ trương trên sớm đi vào cuộc sống, ngay từ bây giờ, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương xây dựng đề án khai thác kết cấu tài sản hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư; sớm xây dựng Dự thảo Nghị định về chế độ thu phí phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước… ngay khi Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.

Ngoài việc giúp Nhà nước có ngay một khoản kinh phí lớn để tái đầu tư, việc đấu thầu quyền thu phí các tuyến cao tốc - nếu thực hiện một cách công khai, minh bạch - còn giúp điều hòa, phân bố lại hệ thống giao thông tại nhiều khu vực. Nếu mức thu hợp lý, tổ chức thu minh bạch, chất lượng hạ tầng tương xứng… thì chắc chắn, người dân sẽ ủng hộ chủ trương quan trọng này, qua đó sớm cụ thể hóa khát vọng hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục