Đại biểu Quốc hội đề xuất có Luật doanh nghiệp tư nhân

(ĐTCK) Cho rằng hiện tại là thời điểm vàng để phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP. Hà Nội) khi đóng góp sửa đổi Luật Doanh nghiệp đã đề xuất xây dựng Luật Doanh nghiệp tư nhân để áp dụng đối với mô hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận (Ảnh: QH)

Sáng 20/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế xã hội, nhiều đại biểu có ý kiến đáng chú ý về hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất của kinh tế quốc gia" như tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Cần có lộ trình chuyển mô hình hộ kinh doanh sang doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP. Hà Nội) nêu, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940 nghìn doanh nghiệp. Nghị quyết 68/NQ-TW nêu mục tiêu đến năm 2030 chúng ta có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, theo bà Hà, Luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo Luật lần này chưa đề cập việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi đây là nội dung trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết 68/NQ-TW.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026.

Cùng với đó, cần sớm ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ.

Đại biểu Nhị Hà cũng cho rằng, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi lần này trong bối cảnh Bộ Chính trị xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng.

Vì vậy, đây là “thời điểm vàng” hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, minh bạch và bình đẳng.

Ngoài ra, bà Hà cũng đánh giá cao việc dự thảo Luật đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhưng lưu ý rằng Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (cũng được trình trong kỳ họp này) lại quy định rộng hơn, bao gồm viên chức tại tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tạo ra sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

"Cần lưu ý rằng, không phải mọi cơ sở giáo dục đại học công lập đều là tổ chức khoa học và công nghệ và ngược lại”, bà Hà nhấn mạnh và kiến nghị dự thảo Luật này mở rộng đối tượng phù hợp với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Cân nhắc cho người 16 tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp

Cũng góp ý xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề xuất sửa đổi thêm một nội dung trong Luật Doanh nghiệp đó là độ tuổi cá nhân được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành yêu cầu cá nhân phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị hạ độ tuổi này xuống 16 tuổi.

Lý giải cho đề xuất này, ông Hiếu cho biết, hệ thống luật pháp hiện nay quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, 16 tuổi trở lên thì không còn là trẻ em nữa. Xét về độ tuổi lao động, hiện quy định đủ 15 tuổi trở lên đã có quyền lao động.

Còn về năng lực, hành vi dân sự thì người chưa đủ 18 tuổi chưa có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Dân sự. Nhưng khoản 4 Điều 21 đã quy định ''người từ đủ 15 tuổi trở lên đã có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và bất động sản phải đăng ký''.

"Như vậy, những người đủ từ 15 tuổi trở lên có tiền thì họ hoàn toàn đã có quyền tự mình nhân danh và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự", ông Hiếu nêu quan điểm.

"Thay vì tiết kiệm tiền, ví dụ một học sinh muốn mở một cửa hàng bán trà sữa để kinh doanh thì tại sao không cho họ quyền tham gia góp vốn để thành lập các tổ chức kinh tế để thực hiện quyền này?", ông Hiếu nói thêm.

Tranh luận với đại biểu Phan Đức Hiếu về vấn đề này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, phải "hết sức cân nhắc" về đề xuất mở rộng quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp của người chưa thành niên.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định)

Theo đại biểu đoàn Bình Định, Luật Doanh nghiệp hàng chục năm qua từng bước hoàn thiện quy định về quyền gia nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân.

"Với cá nhân, chúng ta phân biệt rất rõ 3 quyền: quyền thành lập; quyền quản lý hay quản trị, tham gia vào bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp; quyền góp vốn.

Đối với quyền thành lập và quyền quản trị thì đòi hỏi người phải trưởng thành, phải có những điều kiện kể cả về mặt nhận thức cũng như về mặt tư cách đạo đức, các điều kiện khác có liên quan để chống các xung đột lợi ích, được quy định rõ tại Điều 17, khoản 2 của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Trong khi đó, luật từ lâu đã không cấm việc góp vốn vào doanh nghiệp, ai có tài sản đều có thể góp vốn, trừ một số đối tượng bị cấm thành lập, tham gia, góp vốn nhằm để tránh xung đột lợi ích, như: cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang. Một số luật cũng cấm cán bộ, công chức tham gia doanh nghiệp như Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng…

Theo ông Ba, thực tế người 16 tuổi có thể tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhưng nếu góp vốn để thành lập rồi điều hành doanh nghiệp thì cần cân nhắc khi luật hoá.

Đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro

Một điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo là việc bổ sung 15 nội dung mới liên quan đến "chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp"; đây là nội dung quan trọng trong phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải kê khai thông tin về cá nhân, tổ chức thực sự kiểm soát hoặc hưởng lợi từ doanh nghiệp, kể cả khi họ không đứng tên trực tiếp.

Việc yêu cầu cung cấp, cập nhật và chia sẻ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

Đồng thời, quy định này sẽ được thiết kế theo hướng không phát sinh thủ tục hành chính mới, không gây thêm chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn tăng cường hiệu lực giám sát của cơ quan chức năng. Chính phủ sẽ ban hành Nghị định chi tiết hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xác định và khai báo thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, bảo đảm đồng bộ với Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro, chứ không kiểm tra tùy tiện, tùy hứng, gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Theo đó, cơ quan nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp.

Góp ý vào vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp trong gần 3 thập kỷ qua đã chứng minh việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện là một trong những quy định quan trọng, giúp nước ta phát triển kinh tế tư nhân. Thay vào đó, cơ quan Nhà nước tăng cường hậu kiểm khi có nghi ngờ.

Tại dự thảo Luật có bổ sung quy định doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu “dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu”. Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định, đây là vấn đề đã gây tranh cãi rất nhiều khi sửa đổi Luật Chứng khoán trong Luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính vừa qua, cũng như trong quá trình soạn thảo Nghị định về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo đại biểu, trong Luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết chứ không quy định cứng.

"Theo tôi thì đây là phương án hợp lý, vì vấn đề hệ số nợ này là bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp lý khác quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nếu các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua chặt chẽ, thì có thể không cần giới hạn hệ số nợ hoặc mức giới hạn cao hơn", ông Đồng nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục