Sửa Luật Phá sản, tăng cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Với Luật Phá sản đang được sửa đổi, bên cạnh mục tiêu giải quyết vụ việc phá sản hiệu quả hơn, việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu tiên đặc biệt.
Bổ sung chế định về phục hồi doanh nghiệp là một trong những nội dung cần ưu tiên khi sửa đổi Luật Phá sản Bổ sung chế định về phục hồi doanh nghiệp là một trong những nội dung cần ưu tiên khi sửa đổi Luật Phá sản

Doanh nghiệp “chết” không “chôn” được gây nhiều hệ lụy

Trong 10 năm qua, có hơn 1.000 vụ việc phá sản được giải quyết, nhưng chỉ riêng năm 2024 đã có hơn 100.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn. Trong số đó, có 24.000 doanh nghiệp quay lại thị trường, còn 76.000 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin giải thể và số giải thể được là trên 21.000 doanh nghiệp. Như vậy, chỉ 1 năm, mà còn hơn 54.000 doanh nghiệp không biết đã đi đâu. Chính vì Luật Phá sản không hiệu lực, hiệu quả, nên chắc chắn trong nền kinh tế còn hàng trăm ngàn doanh nghiệp “chết” mà chưa “chôn” được.

Thực trạng trên được Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh dẫn ra tại phiên họp thẩm tra Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) mới đây.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Luật Phá sản trong phát triển kinh tế, ông Mạnh nêu thực tế, nhu cầu giải quyết thủ tục phá sản rất lớn, nhưng số vụ việc được giải quyết chưa nhiều, thời gian thủ tục kéo dài. Nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã lâu, nhưng không giải quyết được phá sản, giống như “chết nhưng không được chôn” và “doanh nghiệp chết không chôn được là thực tế rất nghiêm trọng”.

Ông Mạnh cho rằng, những “xác sống” này gây ra nhiều hệ lụy cực kỳ nguy hại, làm méo mó thị trường. Các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhưng vì chưa được phá sản, nên vẫn chiếm dụng đất đai, lao động, vốn liếng, thậm chí chủ doanh nghiệp bỏ trốn, khiến nguồn lực xã hội bị ách tắc, lãng phí. Cùng với đó, công nợ không được giải quyết gây nên nợ xấu tăng cao không kiểm soát được, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính. Hệ lụy nữa là luật pháp không được thực thi, đương nhiên làm suy yếu lòng tin trong nhân dân và nhà đầu tư.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính có chung nhận định, trên thực tế, tồn tại rất nhiều doanh nghiệp “xác sống”, bản chất đã rơi vào phá sản từ lâu, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động lay lắt để được hưởng cơ chế, chính sách, chiếm dụng mặt bằng..., gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Những năm qua, môi trường kinh doanh có nhiều cải cách rất tiến bộ, riêng Chỉ số Năng lực phá sản thì tụt hạng nghiêm trọng, ông Mạnh đề cập vấn đề được nêu tại Tờ trình Dự án Luật của Tòa án Nhân dân Tối cao. Đó là, năm 2017, Chỉ số Phá sản doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 129, năm sau tụt xuống thứ 130 trên thế giới, làm giảm sức hấp dẫn thu hút đầu tư.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên là do quy định về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) là một khâu trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, nhưng thời điểm và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phục hồi chưa phù hợp để khuyến khích việc áp dụng thủ tục này sớm, chưa kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, HTX có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

“Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hầu như không được áp dụng, theo thống kê, trong gần 9 năm thi hành Luật Phá sản, trên toàn quốc có chưa đến 10 vụ việc áp dụng thủ tục phục hồi”, Báo cáo đánh giá tác động chính sách nêu.

Ưu tiên phục hồi

Nguyên nhân đầu tiên được kể đến có liên quan đến thủ tục phục hồi, chính sách đầu tiên được đánh giá tác động cũng là xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, HTX.

Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, Dự thảo Luật bổ sung một chương về thủ tục phục hồi, quy định chỉ doanh nghiệp, HTX là người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp, HTX có nguy cơ mất khả năng thanh toán hoặc mất khả năng thanh toán.

Chương này cũng quy định về trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi, thứ tự ưu tiên thanh toán trong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, HTX sau khi mở thủ tục phục hồi, các biện pháp khuyến khích phục hồi như khoanh tiền thuế nợ, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Thảo luận tại phiên thẩm tra, các ý kiến nhất trí cao định hướng ưu tiên quá trình phục hồi của doanh nghiệp khi chưa tiến hành quy trình phá sản. “Trong văn hóa Việt Nam, phá sản vẫn bị coi là xấu, thất bại, do đó, rất cần bổ sung chế định về phục hồi doanh nghiệp khi sửa đổi Luật Phá sản”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, vấn đề đặt ra là nên xác định phá sản và phục hồi là 2 công đoạn tách bạch, hay phục hồi thực chất là một công đoạn trong quá trình phá sản của một doanh nghiệp, HTX.

Nghiêng về phương án coi phục hồi là một công đoạn của phá sản, ông Hiếu đề nghị, cần thiết kế Dự thảo theo hướng: nếu phục hồi không thành công, thì phải kích hoạt ngay quá trình phá sản.

Ông Hiếu cho rằng, cái khó của lần sửa đổi này là cần làm rõ thời điểm nào sẽ tuyên bố bắt đầu vào giai đoạn phá sản. Vấn đề cốt lõi của Luật là phải đưa ra được hệ tiêu chí để xem thời điểm nào bắt đầu tuyên bố quá trình phá sản, bởi nếu đưa ra các tiêu chí không chính xác, thì sẽ dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, vì đôi khi doanh nghiệp chỉ khó khăn ngắn hạn về dòng tiền, chưa hoàn toàn mất khả năng thanh toán.

Tại khoản 1, Điều 41, Dự thảo Luật quy định, “chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 6 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, quy định này chưa hợp lý, vì việc doanh nghiệp chưa thanh toán được khoản nợ trong thời gian này đôi khi lại là chiến lược của họ, hoãn trả nợ, chấp nhận tiền phạt hợp đồng để đổi lấy một cơ hội đầu tư khác có lợi ích lớn hơn.

“Nếu tòa án tuyên bố ngày doanh nghiệp phá sản dựa vào thời điểm thanh toán nợ là không đúng, để tuyên bố thời điểm phá sản, buộc phải có tiêu chí kinh tế và nhìn dưới góc độ của dòng tiền hơn là quy định cứng dựa vào thời điểm thanh toán nợ, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu...”, ông Hiếu góp ý.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ, đại biểu Nguyễn Thành Nam phản ánh, ở địa phương này, nhiều doanh nghiệp muốn phá sản, nhưng rất vướng. Tán thành tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi, song ông Nam cho rằng, cần ưu tiên quyền tự quyết của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi trước phá sản.

Ông Nam nhấn mạnh, phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh phải là của doanh nghiệp (người quản lý và các cổ đông), không thể do các chủ nợ quyết định tại hội nghị chủ nợ như quy định tại Dự thảo. “Đây là một thẩm quyền của doanh nghiệp đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, nếu cần tiền, thì cổ đông sẽ là người đầu tiên rót tiền vào cứu doanh nghiệp, chứ không phải chủ nợ cứu”, ông Nam phân tích. Từ đó, vị đại biểu Phú Thọ đề nghị, nên thiết kế lại quy định là, doanh nghiệp, HTX xây dựng phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, nếu khả thi thì chủ nợ sẽ chấp nhận để doanh nghiệp thực hiện.

Nhìn tổng thể, một số vị đại biểu nhận xét, quy định về phục hồi vẫn khá phức tạp, chính sách vẫn còn chung chung. Chẳng hạn, Điều 4 quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX gặp khó khăn trong kinh doanh thực hiện thủ tục phục hồi, phá sản nhằm khôi phục hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh một cách có trật tự, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lành mạnh hóa nền kinh tế. Chính phủ quy định cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX gặp khó khăn trong kinh doanh tham gia thủ tục phục hồi, phá sản.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành nhận xét, quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra về tiếp sức cho doanh nghiệp “sống lại” và phát triển.

Theo nghị trình, Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ mười (tháng 10/2025). Do khối lượng công việc phát sinh tại Kỳ họp thứ chín rất lớn, nên có thể Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ được lùi thời gian trình. Tuy nhiên, đây là dự án luật rất khó, cơ quan được phân công chủ trì thẩm tra cho rằng, cần được chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng, thì mới có thể đạt mục tiêu khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển nền kinh tế lành mạnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cần chính sách đủ mạnh để khuyến khích phục hồi trước phá sản

- Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội

Trên thế giới, có rất nhiều thương hiệu lớn, thương hiệu toàn cầu được tái sinh từ ngưỡng cửa phá sản. Trong khi đó, Việt Nam chưa có khung pháp lý và những chính sách đủ mạnh để khuyến khích phục hồi trước phá sản. Sửa đổi luật lần này phải làm sao để có đủ khung pháp lý cho các công ty lớn, các quỹ đầu tư tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Và, quan trọng nhất, để phá sản được coi là một thủ tục bình thường trong kinh doanh, thì thủ tục phá sản phải đơn giản, ngắn gọn để giải quyết nhanh hơn.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục